Ngân hàng cùng 'tạo sóng' giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay ưu đãi

Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi khoảng 0,2-1,2%/năm ở nhiều kỳ hạn và được chính thức áp dụng. Đồng thời, một số ngân hàng thương mại tung ra các chương trình cho vay ưu đãi...

Các ngân hàng lớn hạ lãi suất, cùng chung tay hỗ trợ tạo đà cho các doanh nghiệp

Đà giảm lãi suất trong những ngày gần đây được "khởi xướng" trước tiên bởi các ngân hàng "trụ cột" bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV. Theo đó, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều đồng loạt hạ lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Điều này tạo ra một đà giảm chung trên thị trường.

Vietcombank luôn là ngân hàng tiên phong, đi đầu trong việc giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng nhằm chung tay hỗ trợ phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (1/4/1963 - 01/4/2023), Vietcombank đã triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay áp dụng liên tục trong 4 tháng, từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023.

Ngay trong những ngày vừa qua, Vietcombank cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Theo đó lãi suất dưới 3 tháng là 4,6%/năm và kỳ hạn 3 tháng là 5,1%/năm.

Các kỳ hạn khác từ 6 tháng và 12 tháng trở lên vẫn được duy trì ở mức lần lượt là 5,8%/năm và 7,2%/năm.

Về hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank giảm lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2%/năm, tương đương giảm 0,2% so với kỳ hạn cũ.

Bảng tham khảo lãi suất các ngân hàng thương mại trong nước ngày 16/5. Nguồn: 24M.

Bảng tham khảo lãi suất các ngân hàng thương mại trong nước ngày 16/5. Nguồn: 24M.

Tiếp sau Vietcombank, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, với tinh thần đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm với khách hàng, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.

Cụ thể, Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Đồng thời giảm 0,2% lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng và 3-5 tháng về lần lượt 4,6%/năm và 5,1%/năm.

Được biết, đây là lần thứ năm liên tiếp từ đầu năm đến nay, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh.

Vietinbank là đơn vị tiếp theo công bố giảm lãi suất huy động, trong đó với kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng, lãi suất của ngân hàng này giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm với hình thức gửi tại quầy.

Mới nhất, BIDV cũng điều chỉnh giảm 0,3 điểm % lãi suất niêm yết tại các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng. Theo đó, giảm lãi suất niêm yết từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm tại kỳ hạn 1 đến dưới 3 tháng đối với khách hàng cá nhân.

Đối với khách hàng tổ chức, lãi suất của BIDV cũng giảm từ 4,6%/năm xuống 4,3%/năm. Đối với kỳ hạn 3 đến dưới 6 tháng, ngân hàng này cũng giảm lãt từ 5,4%/năm xuống còn 5,1%/năm đối với cá nhân và 5,1%/năm xuống 4,8%/năm đối với tổ chức.

"Làn sóng" giảm lãi suất cả ở nhóm các ngân hàng thương mại

Tiếp sau "Big4", VPBank bắt đầu nhập cuộc đua giảm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng còn 8%/năm, giảm 0,2%/năm so với kỳ hạn cũ; lãi suất từ kỳ hạn 15 tháng đến 36 tháng cũng giảm về 7,2%/năm.

Một ngân hàng thương mại lớn khác là TPBank cũng giảm 0,2%/năm lãi suất huy động, tuy nhiên chỉ áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng trở lên. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,8% xuống 7,7% và kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 7,8% xuống 7,6%/năm.

Tương tự tại Techcombank, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại ngân hàng này giảm từ 7,8% xuống 7,6%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 7,8% xuống 7,6% và ở kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 7,8% xuống 7,6%/năm.

Maritime Bank cũng thông báo giảm 0,3% lãi suất ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,5% xuống 8,2%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,6% xuống 8,3% và ở kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 8,6% xuống 8,3%/năm.

Ngân hàng giảm lãi suất sâu nhất trong đợt điều chỉnh này là OCB với mức giảm 0,2-1,2% ở một số kỳ hạn. Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động ngân hàng này giảm từ 8,5% xuống 8,1%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,8% xuống 8,45% và kỳ hạn 24 tháng lãi suất huy động giảm từ 9,1% xuống 7,9%/năm.

Hiện tại, ABBank là một trong những ngân hàng đang có mức lãi suất niêm yết cao nhất trên thị trường. Trong đó tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng này là 8,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 8,9%/năm và 24 tháng là 9,2%/năm.

Một số ngân hàng thương mại tung ra các chương trình cho vay ưu đãi

Cùng với động thái giảm lãi suất huy động, song song với chương trình lãi suất cạnh tranh nêu trên, để giúp khách hàng vay chủ động được trong kế hoạch tài chính cá nhân hay cho doanh nghiệp của mình, các ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2,0% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Trong số các ngân hàng ưu đãi đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank là một đơn vị đang triển nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4.5% /năm tùy theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.

Phát huy sự thành công của các chương trình ưu đãi vay vốn, Vietcombank tiếp tục triển khai Chương trình An tâm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng SME với mức lãi suất vay cố định trong các kỳ hạn dài như 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm và cả những kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm và 10 năm với lãi suất cho vay chỉ từ 10,4%/năm.

Trước đó, ngay từ đầu năm 2023, Vietcombank đã dành 100.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất đặc biệt ưu đãi. Đây là những động thái đang tạo ra sự phát triển tích cực đối với nền kinh tế, hàng hóa, cạnh tranh. Từ đó, các ngân hàng Việt Nam đã và đang góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ngan-hang-cung-tao-song-giam-lai-suat-day-manh-cho-cho-uu-dai-179230516162953748.htm