Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số:Tăng cạnh tranh, nâng hiệu quả
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã liên tục có những thay đổi về công nghệ số để phù hợp với xu thế của thời đại, tăng tính cạnh tranh cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhiều ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong.
Hơn 95% giao dịch thực hiện trên kênh số
Đổi mới hoạt động phù hợp với xu hướng của thời đại, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, trong những năm qua, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán của ngành Ngân hàng ngày càng được hoàn thiện, thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp. Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng.
Đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Theo thống kê những tháng đầu năm 2025, tổng số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 41,28% về số lượng và 21,91% về giá trị; qua kênh internet tăng 35,81% về số lượng và 29,69% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 35,13% về số lượng và 18,63% về giá trị; giao dịch qua QR code tăng 75,54% về số lượng và 196,62% về giá trị.
Trong phối hợp, khai thác, sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chíp để quản lý hệ thống tài khoản tại các tổ chức tín dụng, đã có hơn 108 triệu hồ sơ khách hàng được thu nhập, đối chiếu thông tin sinh trắc học, hoạt động thanh toán diễn ra bình thường, góp phần giảm số lượng vụ việc lừa đảo gây mất tiền của khách hàng.
Làn sóng chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng, không chờ đến khi có Nghị quyết số 57-NQ/TƯ. Nhiều dịch vụ, sản phẩm ngân hàng đã được số hóa, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Thực tế là giờ đây, chỉ bằng một cú pháp hoặc một “cú chạm”, người dùng có thể dễ dàng mua sắm, thanh toán hoặc thực hiện hàng loạt dịch vụ mà không cần phải trực tiếp đến ngân hàng.
Dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số phải kể đến những ngân hàng trong nhóm “Big4”: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, đại diện các ngân hàng trong nhóm “Big4” kể trên đều cam kết thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Mới đây, Tổng Giám đốc Agribank đã ban hành chương trình hành động về đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống. Theo đó, Agribank sẽ tập trung nguồn lực để kết nối và ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường và thu hút khách hàng. Đồng thời, Agribank thúc đẩy phong trào sáng kiến, không chỉ về mặt công nghệ, mà còn trong phương thức làm việc, tạo ra năng suất và hiệu quả.
Không nằm ngoài cuộc, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động nhằm nâng cao hiệu suất, tăng tính cạnh tranh. Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho biết, TPBank đã áp dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện trong hoạt động. Một trong những bước tiến quan trọng là sự kết hợp sử dụng công nghệ lưu trữ đám mây giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dữ liệu, nâng cao hiệu suất trên tất cả các kênh giao dịch và phát triển các mô hình học máy.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng cho hay, riêng ứng dụng MB có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày, với hệ thống ổn định, an toàn, bảo mật. Lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của MB hiện chiếm khoảng 96,7%, với tỷ lệ giao dịch thành công đạt 99,96%; giữ vững vị trí hàng đầu về quy mô. MB tiên phong phát triển siêu ứng dụng bao gồm hơn 200 ứng dụng nhỏ (mini app) tích hợp trên ứng dụng ngân hàng. Khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ với chiếc điện thoại thông minh.
Trong khi đó, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai dự án tiền kỹ thuật số của một số ngân hàng trung ương trên thế giới; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu về tiền kỹ thuật số và báo cáo Thủ tướng, đề xuất giao đơn vị đầu mối triển khai.