Ngân hàng, doanh nghiệp nào đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng?

NHNN đang xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên; còn ngân hàng thì phải có vốn từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

 Hiện có 38 doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ảnh: Thế Bằng.

Hiện có 38 doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ảnh: Thế Bằng.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong hồ sơ nhắc tới việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bãi bỏ các nội dung về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.

Điều kiện được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng

Cụ thể, khi bãi bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng của Nhà nước, các doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn với ngân hàng thì phải có vốn từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, ngân hàng còn phải đáp ứng đủ điều kiện khác như có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả; hoặc có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.

Trên thị trường hiện có 38 doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Tuy nhiên, tính theo quy mô vốn điều lệ hiện hành, chỉ còn lại một số doanh nghiệp đầu ngành đáp ứng được điều kiện vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên là CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC); CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Tập đoàn DOJI.

Về phía ngân hàng, Vietcombank, VPBank, Techcombank, BIDV, MB, VietinBank và Agribank đang nằm trong nhóm có vốn điều lệ trên 50.000 tỷ đồng.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng góp ý dự thảo và đề xuất không bổ sung quy định tổ chức tín dụng được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng vì cho rằng sẽ mâu thuẫn và không phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Giải trình đề xuất này, NHNN cho biết căn cứ Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại được phép kinh doanh vàng theo quy định của Thống đốc NHNN.

Việc cấp phép cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo cho thị trường vàng cạnh tranh, công khai, minh bạch hơn và đã được NHNN giải trình cụ thể tại các báo cáo, tờ trình gửi lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, bám sát chỉ đạo của Tổng bí thư về việc xóa bỏ cơ chế độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát, Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Dự thảo Nghị định 24/2012 quy định các điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng với mục tiêu lựa chọn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện sản xuất vàng miếng.

 Người dân xếp hàng mua vàng miếng tại một cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội. Ảnh: Thế Bằng.

Người dân xếp hàng mua vàng miếng tại một cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội. Ảnh: Thế Bằng.

Đề xuất hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản

Cũng trong báo cáo tổng hợp giải trình của NHNN mà Bộ Tư pháp công bố cho thấy loạt góp ý từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, hiệp hội đối với dự thảo.

Một số đơn vị đưa kiến nghị NHNN nên nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và lộ trình cho phép triển khai thêm các sản phẩm khác để hỗ trợ thanh khoản của thị trường như vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, tiết kiệm/cho vay vàng, sàn giao dịch vàng quốc gia…

Cùng với đó là đề xuất NHNN xem xét bổ sung điều khoản cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng; xuất, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giá với vàng tài khoản hoặc thị trường quốc tế.

Đề nghị NHNN nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được mua vàng kỳ hạn từ nước ngoài.

Tiếp thu những ý kiến nêu trên, NHNN cho hay Khoản 2 Điều 112 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: "Thống đốc NHNN quy định về phạm vi ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, cung ứng sản phẩm phái sinh; điều kiện, hồ sơ thủ tục chấp thuận việc kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại".

Sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 được ban hành, NHNN sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở cho ngân hàng thương mại có thể cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng.

Các doanh nghiệp khi sử dụng công cụ phái sinh thực hiện hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 210/2009 hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam.

NHNN sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung vàng vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định 158/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung).

Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở Giao dịch vàng tập trung. Tại dự thảo Nghị định, NHNN đề xuất chưa sửa đổi quy định này.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngan-hang-doanh-nghiep-nao-du-dieu-kien-duoc-san-xuat-vang-mieng-post1568328.html