Ngân hàng giảm sức hấp dẫn khi kỳ vọng về lợi nhuận quý I đi xuống
Tăng trưởng tín dụng sụt giảm, cùng với những rủi ro nợ xấu có thể gia tăng khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng là những yếu tố kém tích cực tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2024.
"Cỗ xe" bị chùn bước
Tháng 12/2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bùng nổ mở ra cơ hội cho các ngân hàng gia tăng mạnh lợi nhuận từ thu nhập lãi thuần. Cụ thể, chỉ trong khoảng 5 tuần, từ 23/11 đến 31/12/2023, tốc độc tăng trưởng tín dụng đạt tới 5,5%.
Ngân hàng nên công khai số nợ xấu tiềm ẩn
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, để nhà đầu tư có thể nhìn đúng vào bức tranh tài chính thật của các ngân hàng và thị trường tài chính thì NHNN có thể đồng thời cho phép kéo dài Thông tư 02 thì NHNN, nhưng một mặt nên yêu cầu các ngân hàng phải công bố cả 2 con số nợ xấu thật (nếu Thông tư 02 không được kéo dài nữa) và con số nợ xấu bị ẩn đi (nếu tiếp tục cho kéo dài Thông tư 02).
Sự bùng nổ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng theo đó kéo dài chuỗi tăng điểm ngoạn mục của nhóm các cổ phiếu ngành Ngân hàng trong giai đoạn đầu năm 2024. Cổ phiếu VCB của Vietcombank từ đầu năm 2024 đến nay đã tăng từ mốc khoảng 85.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng trên 95.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng từ mốc khoảng 28.000 đồng/cổ phiếu lên 35.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BID của BIDV tăng từ 43.000 đồng/cổ phiếu lên 53.000 đồng/cổ phiếu. Với các ngân hàng cổ phần, cổ phiếu MBB của MB tăng từ 20.000 đồng/cổ phiếu lên 24.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu TCB của Techcombank tăng từ 32.000 đồng/cổ phiếu lên 44.000 đồng/cổ phiếu…
Mặc dù vậy, diễn biến hoạt động ngân hàng đổi chiều khá nhanh khi bước vào đầu năm 2024, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 không những không tăng mạnh như tháng 12/2023 mà thậm chí còn sụt giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 0,23% và tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán tăng 2,56%.
NHNN cho biết, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp, hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng, nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu. Trong khi đó, theo ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank, diễn biến tới sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế mặc dù dự báo sẽ hồi phục nhưng sẽ chậm nên phải sang đến quý III hoặc quý IV sự phục hồi mới có thể thể hiện rõ rệt hơn.
Thế khó của các ngân hàng
Sự sụt giảm của tín dụng khiến cho giới kinh doanh có sự liên tưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng bởi hiện nay, tỷ trọng lợi nhuận của ngân hàng vẫn phụ thuộc chủ yếu thu nhập lãi thuần từ hoạt động huy động vốn và cho vay.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài yếu tố tăng trưởng tín dụng thấp có thể ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận thì các ngân hàng cũng còn đối mặt với rủi ro nợ xấu.
Theo dữ liệu Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh tiến gần tới ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Điều này cho thấy, các ngân hàng cũng sẽ phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng để bù đắp cho chỉ số an toàn tài chính đang có dấu hiệu sụt giảm.
Mặc dù vậy, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cũng không có nghĩa quá tăm tối, bởi các ngân hàng cũng đang có ưu thể bởi diễn biến giảm lãi suất đầu vào, qua đó giảm chi phí huy động vốn. Theo NHNN, tính đến tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tại các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đã giảm xuống rất thấp chỉ còn khoảng 1,7%/năm.
Ngoài ra, một trong những yếu tố thuận lợi nữa là khi lãi suất đang xuống rất thấp như hiện tại, có một phần tiền của người dân không gửi tiết kiệm mà để ở tài khoản không kỳ hạn. Động thái một phần do lãi suất thấp không còn tạo sự hấp dẫn đáng kể của tiền gửi tiết kiệm so với tiền gửi không kỳ hạn, một phần đó là một phần tiền chờ đợi cơ hội đầu tư trên các thị trường tài sản của một số nhà đầu tư. Điều này cũng vô hình giúp ngân hàng tăng được tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn.
Tuy nhiên theo đánh giá của ông Huân, yếu tố chi phí huy động là một diễn biến thực tế có thể hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận ngân hàng, nhưng có thể chưa đủ để bù đắp cho những khó khăn như đề cập ở phần trên (sụt giảm tín dụng, rủi ro nợ xấu gia tăng…).