Ngân hàng Hồng Kông cạnh tranh hoàn tiền để thu hút khách vay mua nhà
Cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành khách hàng vay thế chấp mua nhà khiến các ngân hàng ở Hồng Kông đưa ra mức hoàn tiền mặt cao nhất trong gần hai thập niên.
Theo dữ liệu của Centaline Mortgage Broker, các giao dịch vay thế chấp được hoàn tiền tính theo phần trăm của khoản vay gốc ở các ngân hàng Hồng Kông đã tăng từ mức trung bình khoảng 1,3% vào năm ngoái lên 2,6% hiện tại, mức cao nhất trong hơn 17 năm.
Các ngân hàng như HSBC và chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở Hồng Kông đang sử dụng hình thức ưu đãi này nhằm thu hút khách hàng mới trong bối cảnh giao dịch bất động sản ở thành phố này vẫn trầm lắng. Thị trường bất động sản của Hồng Kông chịu đòn giáng nặng nề khi nhiều người giàu rời thành phố để định cư ở nước ngoài trong năm ngoái do các biện pháp phòng chống Covid-19 khắc nghiệt.
“Ở Hồng Kông, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt ở mảng cho vay thế chấp vốn đang suy yếu”, Leland Sun, người sáng lập Pan Asian Mortgage, công ty tư vấn cho người mua nhà, cho biết.
Những ngân hàng cho vay lớn nhất trên thị trường vay thế chấp của Hồng Kông bao gồm BOC, HSBC và Hang Seng Bank. Họ chiếm tổng 60% các khoản thế chấp mới trong quí đầu tiên của năm nay.
Lydia Cheng, một nhà thiết kế nội thất, đang khảo sát các ngân hàng để tìm kiếm khoản vay thế chấp hời nhất khi tìm mua một bất động sản ở Hồng Kông. Cô cho biết các ngân hàng như HSBC cung cấp lãi suất thế chấp trong những năm đầu là 2,5%, cộng với mức hoàn tiền mặt 1% của giá trị khoản vay. Nhưng Cheng vẫn tiếp tục so sánh lãi suất và sẽ ký hợp đồng với ngân hàng đưa ra mức lãi suất tốt nhất.
Tại Hồng Kông, hầu hết các khoản vay thế chấp mua nhà đều áp dụng lãi suất thả nổi có giới hạn dựa trên lãi suất cho vay cơ bản của họ. Kể từ năm ngoái, các ngân hàng lớn nhất ở Hồng Kông đã tăng lãi suất cơ bản của họ thêm khoảng 75 điểm cơ bản, lên các mức sát 6%. Lãi suất cơ bản của các ngân hàng thường điều chỉnh theo lãi suất điều hành của Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông (HKMA). Hồi đầu tháng 5, HKMA đã tăng lãi suất này thêm 25 điểm cơ bản, lên 5,5%, mức cao nhất trong 15 năm. Lãi suất cao hơn sẽ gây tổn thương hơn nữa cho các chủ nhà ở Hồng Kông, những người đang trả nợ cho khoản thế chấp trị giá tổng cộng 1,8 nghìn tỉ đô la Hồng Kông (300 tỉ đô la Mỹ). Điều này này cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi trong các giao dịch và giá nhà.
Theo Andy Halford, Giám đốc tài chính Standard Chartered, thu nhập của mảng cho vay thế chấp của ngân hàng này suy giảm 52% trong quí đầu tiên, một phần do mức trần lãi suất dựa vào lãi suất cơ bản ép chặt biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, không phải tất cả khách hàng đều chọn những ngân hàng có mức hoàn tiền cho vay thế chấp cao nhất. Leung, một chuyên gia tiếp thị, người đã mua một bất động sản ở quận Sa Điền với giá 10 triệu đô la Hồng Kông (1,28 triệu đô la Mỹ) vào đầu năm nay, đã vay thế chấp 8 triệu đô la Hồng Kông từ ngân hàng BOC và được hoàn 120.000 đô la Hồng Kông. Cô cho biết có những ngân hàng đưa ra mức hoàn tiền cao hơn nhưng cô vẫn chọn BOC một phần vì cô cảm thấy dịch vụ ở đây tốt hơn.
Hồng Kông đã thoát khỏi suy thoái trong quí đầu tiên nhờ tiêu dùng phục hồi sau khi thành phố này tái mở cửa biên giới. Trong khi đó, kết quả kinh doanh mà các ngân hàng công bố trong những tuần gần đây cho thấy lãi suất tăng cao giúp thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, họ báo lợi nhuận kiếm được từ nhờ lãi suất cao có thể đã đạt đến đỉnh điểm.
Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ, nhận định động lực lớn nhất đối với thị trường bất động sản Hồng Kông là triển vọng lãi suất. Theo ông, vẫn còn quá sớm để dự báo liệu HKMA có chuyển sang chu kỳ cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.
Khi chi phí vay của các ngân hàng tăng vọt, với mức lãi suất liên ngân hàng ở Hồng Kông kỳ hạn một tháng tăng lên khoảng 4,34% so với 0,18% một năm trước, cuộc cạnh tranh giữa họ càng gay gắt. Mảng cho vay doanh nghiệp và tài trợ thương mại của họ cũng đang suy yếu, góp phần thúc đẩy cuộc chạy đua ưu đãi hoàn tiền để thu hút khách vay thế chấp mới.
Ivy Wong, CEO của Centaline Mortgage, nói: “Các ngân hàng hy vọng sẽ giành được nhiều khách hàng vay thế chấp hơn. Nhưng chi phí vốn của họ tăng lên trong chu kỳ tăng lãi suất hiện tại, họ ít có khả năng giảm lãi suất thế chấp”.
Theo Bloomberg