Ngân hàng không được 'ép' nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng không được 'ép' nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp; giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước; người Việt chi hơn 1,6 tỷ USD nhập khẩu iPhone... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Không được gây áp lực bán trái phiếu cho nhân viên

Đó là nội dung đáng chú ý trong văn bản 2845/NHNN-TTGSNH vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng.

Trong văn bản, NHNN yêu cầu các ngân hàng không được gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng/nhà đầu tư mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ để đạt chỉ đánh giá hiệu quả công việc (KPI).

Đồng thời, khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng phải đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư trái phiếu DN, chứng chỉ quỹ với việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng; các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư...

Ngân hàng không được gây áp lực bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhân viên (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Ngân hàng không được gây áp lực bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhân viên (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định 11/2023 quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Theo đó, từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng trở lên. Hiện Quyết định 20/2013 quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 đồng.

Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 0,34%

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng 3/2023 nhưng tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chỉ số giá nhóm giáo dục, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, giá các mặt hàng thực phẩm, giá điện sinh hoạt, giá gạo trong nước tăng.

Người Việt chi hơn 1,6 tỷ USD nhập khẩu iPhone

Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy trong năm 2022, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 21,12 tỷ USD, chiếm trên 5,89% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Điện thoại iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi là những thương hiệu điện thoại được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam (chiếm 93,43%). Trong đó, iPhone đứng đầu khi chiếm 46,05% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước (1,162 tỷ USD).

Bộ Tài chính kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% phí trước bạ ô tô

Bộ Tài chính kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng cũng nêu thêm phương án giảm lệ phí trước bạ để Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô muốn được giảm lệ phí trước bạ để kích cầu. (Ảnh: Hoàng Hà)

Doanh nghiệp sản xuất ô tô muốn được giảm lệ phí trước bạ để kích cầu. (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện theo phương án giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu thì tổng số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.

Yêu cầu các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại diễn ra sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cần có các giải pháp giảm lãi suất cho vay, khơi thông hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Còn tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN diễn ra chiều 25/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với toàn ngành ngân hàng và đề nghị một số ngân hàng giải trình về việc lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao.

Ngân hàng chính thức được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4 (Thông tư 03) quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 (Thông tư 16) quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (trái phiếu DN chưa niêm yết) mà ngân hàng đã bán, hoặc trái phiếu chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán.

Đề xuất giảm hệ số rủi ro tín dụng các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung đề xuất giảm hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội, nhằm tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội. Hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội hiện nay dao động từ 25% đến 100%, sẽ giảm còn 12% đến 50% trong dự thảo mới.

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngan-hang-khong-duoc-ep-nhan-vien-ban-trai-phieu-doanh-nghiep-2138110.html