Ngân hàng Khu vực 13 ổn định nhanh địa bàn, hỗ trợ kinh tế địa phương
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 13 cho biết sau khi tiếp nhận thêm hai địa bàn Tây Ninh và Đồng Tháp, ngân hàng khu vực này đã nhanh chóng ổn định tổ chức, chỉ đạo hệ thống tín dụng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn ở Khu vực 13 chiếm tỷ trọng cao tổng dư nợ tín dụng - Ảnh: T.L
NHNN chi nhánh Khu vực 13 vừa tổ chức Hội nghị hoạt động ngân hàng tại hai vệ tinh mới nhằm phổ biến định hướng điều hành, ổn định tổ chức, thống nhất phương thức quản lý và tạo sự đồng thuận trong các tổ chức tín dụng.
Hội nghị này được tổ chức ngay sau khi NHNN chi nhánh Khu vực 13 chính thức tiếp nhận hai địa bàn Tây Ninh và Đồng Tháp từ ngày 1/7/2025. Đây là hai địa phương có vai trò chiến lược tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biên mậu.
Theo thông tin từ NHNN chi nhánh Khu vực 13, tính đến cuối tháng 5/2025, tổng dư nợ của Khu vực Tây Ninh và Đồng Tháp đạt 493.650 tỷ đồng, chiếm 36,52% toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 5 tăng 4,26% so với cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,25%. Huy động vốn đạt gần 392.000 tỷ đồng, tăng 4,49%, đứng đầu toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục là điểm sáng. Dư nợ 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 302.973 tỷ đồng, tăng 9,23% và chiếm hơn 79% tổng dư nợ toàn khu vực. Trong đó, dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm 78,56% dư nợ các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng xuất khẩu tăng 34,39%, công nghiệp hỗ trợ tăng 37,26%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,16%.
Ông Phạm Minh Tú, Giám đốc NHNN Khu vực 13 cho biết, song song với việc triển khai ngay các hoạt động đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hiện ngành Ngân hàng Khu vực 13 cũng đang tổ chức triển khai 27 văn bản nội bộ đến toàn thể cán bộ tại hai địa bàn mới, đồng thời động viên công chức ổn định tâm lý, sẵn sàng thích ứng với cơ cấu tổ chức mới sau sáp nhập.
Lãnh đạo NHNN Khu vực 13 đề nghị các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục theo sát tình hình kinh tế vĩ mô để điều hành hoạt động phù hợp; giữ ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, mở rộng tín dụng xanh, tín dụng số và đẩy nhanh các gói hỗ trợ trọng điểm như 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số, tín dụng nhà ở xã hội, OCOP… Đồng thời, yêu cầu siết kiểm soát nợ xấu, không để phát sinh mới, chủ động tháo gỡ vướng mắc về tài sản đảm bảo và cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và tài chính vi mô, NHNN Khu vực 13 yêu cầu tuân thủ nghiêm quy định tại Thông tư 10/2025/TT-NHNN, tăng cường kiểm toán nội bộ, đầu tư hạ tầng công nghệ và sớm hoàn thiện phương án sắp xếp nhân sự, tài sản theo quy mô hoạt động mới.