Ngân hàng ngóng cởi trói room ngoại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.

Trong đó, một trong những điểm được giới đầu tư quan tâm là hướng quy định những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của khối ngoại từ 30% lên tới 49%.

“Thỏi nam châm” hút nhà đầu tư

Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho biết: “Khi “cõng” một ngân hàng yếu kém thì ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng mẹ. Điều kiện để đảm bảo “sức khỏe” là ngân hàng mẹ phải tăng vốn. Vậy tiền đâu để tăng vốn? Chắc chắn ngân hàng sẽ không tìm kiếm nhà đầu tư nhỏ lẻ mà phải săn những NĐTNN lớn”.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Vấn đề đặt ra là để thu hút những ông lớn nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu phải đủ hấp dẫn để bảo đảm được quyền lợi của họ. Thông điệp nới tỷ lệ sở hữu của NĐTNN lên tối đa 49% chính là tạo “thỏi nam châm” có sức hút mạnh nhất đối với họ. Bên cạnh vốn, việc nới room ngoại còn giúp NĐTNN có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đủ lớn để tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành, giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Thời gian qua, Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, VPBank cũng đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CB, OceanBank, DongABank và GPBank. Như vậy, nếu dự thảo Nghị định trên được thông qua, MB, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới room vốn ngoại lên tới 49%.

Có thể thấy, nhà điều hành đang muốn tận dụng nguồn lực từ các NĐTNN trong chiến lược tái cấu trúc các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước. Trong số các ngân hàng đã lên tiếng nhận chuyển giao bắt buộc gần đây, ngoại trừ Vietcombank do là TCTD có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, nên phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của DN Nhà nước trước khi trình đại hội đồng cổ đông thông qua, thì ba ngân hàng còn lại là MBBank, HDBank và VPBank sẽ có cơ hội nới room ngoại lên cao hơn.

Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại MBBank là 23,24%, tại HDBank là 18% và tại VPBank (kế hoạch) là 17,6%, còn cách khá xa so với mức đề xuất 49%. Rõ ràng nếu quy định này được thông qua, các ngân hàng này sẽ có thêm giải pháp huy động thêm nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế, phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đã nhận chuyển giao. Trong tương lai, nếu tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém dần phục hồi, các ngân hàng nhận chuyển giao cũng có thể từng bước thoái vốn hoặc hợp nhất luôn vào hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020), Việt Nam sẽ xem xét cho phép 2 TCTD châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam (trừ nhóm Big 4).

Nếu dự thảo nói trên được thông qua và trong trường hợp 2 ngân hàng được nới room theo EVFTA không trùng với 3 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, số lượng ngân hàng đạt room ngoại 49% có thể lên tới 5 ngân hàng. Và con số này có thể sẽ chưa dừng lại ở đó. Hồi đầu năm nay, Hiệp hội DN Mỹ (AmCham) đã lên tiếng khuyến khích thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài để cho phép nhiều cổ phần ngoại quốc hơn trong các công ty niêm yết và chưa niêm yết và tại các ngân hàng – hiện đang giới hạn ở mức 30%.

Đã cởi nhưng chưa mở toang

Dù vậy, Dự thảo vẫn giữ nguyên các quy định như: Một tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 15%, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được sở hữu quá 20%, một nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam.

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, tính đến ngày 3/1/2023, trong 30 NHTM niêm yết chỉ có 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trên 15%. Trong đó, không ít ngân hàng đang trong tình trạng cạn sạch room ngoại với tỷ lệ tối đa 30%. Một số ngân hàng đang tạm khóa room ngoại.

Vì room cho NĐTNN eo hẹp nên nhiều tổ chức muốn nâng tỷ lệ sở hữu cao hơn thì phải giao dịch thỏa thuận với một NĐTNN khác, khiến chi phí vốn bị đội lên và gây ra sự bất bình đẳng với các NĐT ngoại. “Muốn thu hút họ thì chúng ta phải tạo ra sân chơi tương xứng, công bằng thì đối tác mới chịu đầu tư, nếu sân chơi còn nhiều giới hạn sẽ khó thu hút được khách tới” - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư - CIEM) Nguyễn Anh Dương nhận định.

Cần thiết song phải hài hòa lợi ích

Hiện nay có rất nhiều lý do cần phải nới room ngoại cho các ngân hàng. Thứ nhất, trên bình diện chung, các NHTM vẫn đang có nhu cầu tăng vốn để tăng trưởng tín dụng, thêm nguồn lực xử lý dứt điểm nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thành Basel II và tiến đến Basel III. Hiện dòng tiền trong nước chỉ đáp ứng được một phần, và nhiều nhà băng rất kỳ vọng có dòng tiền quy mô từ NĐTNN để có thể lớn nhanh hơn.

Thứ hai, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng năm 2025 định hướng 2030 có mục tiêu “3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường nước ngoài vào năm 2025”. Nhưng để một ngân hàng niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài thì vốn phải có tầm cỡ. Muốn đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải nới room cho các NĐTNN, họ không chỉ hỗ trợ về vốn mà còn có kinh nghiệm để các ngân hàng trong nước có thể vươn ra thị trường thế giới.

Tháng 6/2022, Việt Nam một lần nữa không được tổ chức xếp hạng uy tín thế giới Morgan Stanley Capital International (MSCI) đưa vào danh sách xem xét việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Vì trong 17 tiêu chí xếp hạng, MSCI đánh giá Việt Nam không đạt 9 tiêu chí, trong đó có tiêu chí “giới hạn sở hữu nước ngoài”.

“Trong bối cảnh như vậy, việc giới hạn room ngoại đối với các ngân hàng ở mức 30% thời gian qua, tương tự như chúng ta đang tự ép mình nhỏ lại so với kích cỡ thực tế” - TS Hồ Quốc Tuấn, (Đại học Bristol - Anh) khuyến nghị.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả khi đề xuất nới room được thông qua, việc thu hút NĐTNN cũng không dễ dàng, đòi hỏi hai bên phải có định hướng phù hợp và cam kết lâu dài. Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết tỷ lệ 30%, nhưng chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Ở chiều ngược lại, cũng có những ngân hàng nới room cho NĐT ngoại lên kịch trần 30% nhưng vẫn không thu hút đủ như BacABank, KienlongBank, VietBank, Sài Gòn Công Thương, Nam Á…

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để tạo điều kiện cho NHTM tiếp cận các NĐT chiến lược tiềm năng cần hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán.

Quan điểm của ông Hùng là việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của NĐTNN là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các NĐT với yêu cầu quản lý Nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các NHTM đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.

Với quan điểm thận trọng, TS Võ Trí Thành đề xuất nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài không đại trà mà phân loại theo nhóm, nới room theo đánh giá xếp loại của NHNN, trong đó các ngân hàng TMCP hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.

"Việt Nam cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN tại các NHTM, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể. Cân nhắc khả năng nâng giới hạn tỉ lệ room tại NHTM trong các đề xuất về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Fintech, các tổ chức trung gian thanh toán..." - TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

----

"Khi được tăng room lên sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn, qua đó có thể được NHNN cấp room tín dụng cao hơn, giảm thiểu rủi ro hoạt động." - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Trần Đức Anh

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-ngong-coi-troi-room-ngoai.html