Ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC, chưa vội mừng
Từ cuối năm 2019, nhiều ngân hàng đã tranh thủ tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nhằm làm sạch nợ ngoại bảng khi thời hạn 5 năm bán nợ kết thúc. Tuy nhiên, gánh nặng nợ xấu vẫn còn lớn tại không ít nhà băng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Covid-19.
13 ngân hàng đã tất toán trái phiếu VAMC
Tính đến thời điểm đầu năm 2020, trên toàn hệ thống đã có 13 ngân hàng thực hiện tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, gồm ACB, VIB, TPBank, Vietcombank, NamA Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, Kienlongbank, BIDV, Agribank, VPBank.
Việc mua lại nợ xấu “gửi tạm” tại VAMC để tự xử lý được kỳ vọng sẽ giúp hoàn nhập khoản dự phòng đã trích lập trước đó, góp phần làm gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng. Bởi lẽ, chỉ có bản thân ngân hàng mới hiểu rõ từng khoản nợ xấu của mình để có hình thức xử lý cũng như thu hồi trong thời gian sớm nhất.
Năm 2019 được xem là năm thành công của Agribank trong giai đoạn tái cơ cấu 2016 - 2020. Ngân hàng đã hoàn thành việc mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Đến nay, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu của ngân hàng này đạt gần 110.000 tỷ đồng.
Trong quý cuối của năm 2019, VPBank đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC. Tổng giá trị dư nợ trái phiếu được VPBank mua lại từ VAMC trong năm qua là hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng chỉ phải trích lập hơn 1.400 tỷ đồng để xử lý số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%. Theo lãnh đạo VPBank, xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu tại VAMC là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng trong năm qua. Tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả dư nợ tại VAMC của VPBank từ mức 5,73% tại quý III/2018 đã giảm về 2,84% vào cùng kỳ năm 2019.
Xử lý nợ mua về, không dễ!
Thực tế cho thấy, muốn mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC, bản thân nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải đang ở mức thấp và có nguồn lực tài chính dồi dào cho việc trích lập dự phòng xử lý khối nợ sau khi nhận về. Các ngân hàng đặt kỳ vọng có thể đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu trong năm 2020 để giảm dự phòng, nhưng thực tế cho thấy, sau khi nhận lại các khoản nợ xấu từ VAMC, công tác tự xử lý nợ của các ngân hàng chưa hẳn đã dễ dàng.
Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, dù được trao nhiều quyền hơn trong việc thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều ngân hàng vẫn phản ánh việc chính quyền địa phương và cảnh sát khu vực không hỗ trợ trong công tác thu giữ. Một số UBND phường từ chối hợp tác vì cho rằng chưa có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên. Bộ Công an cũng chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế, cách thức thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác.
Với bức tranh thị trường đang phải đối mặt với khó khăn của dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng khó tránh được nợ xấu gia tăng trong năm 2020.
Hơn nữa, các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản, trong đó phần lớn tài sản là bất động sản giá trị lớn. Do đó, việc tự xử lý nợ xấu của các ngân hàng phụ thuộc vào diễn biến thị trường bất động sản. Thực tế công tác phát mãi tài sản của các ngân hàng thời gian qua cho thấy, nhiều khối bất động sản có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn chẳng có nhà đầu tư nào quan tâm. Chẳng hạn, ba lô đất “khủng” ở khu vực phía Nam mà Sacombank rao bán trong 1 năm qua phải đại hạ giá tới gần 3.000 tỷ đồng song vẫn chưa có người mua.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, việc sáp nhập thêm Ngân hàng SouthernBank vào năm 2015 đã mở rộng quy mô của Sacombank, song cũng từ sau thương vụ sáp nhập này đã khiến Sacombank gặp khó khăn do phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. Tại thời điểm sáp nhập, Sacombank có tổng cộng khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Hơn 2 năm qua, nhà băng đã xử lý được 39.400 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi 13.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời.
Trong bối cảnh thị trường 2020 gặp nhiều khó khăn vì đại dịchCovid-19, việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản của Sacombank để thu hồi nợ xấu có thể gặp sẽ còn khó khăn hơn.
Tại Eximbank, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,64% vào cuối năm 2019, song lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ của Ngân hàng tại cùng thời điểm vẫn còn khoảng 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Eximbank đã trích dự phòng được 2.100 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu vào tháng 6/2020, Eximbank cũng sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Đây là điều kiện cần và đủ để Eximbank tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông sau khi tất toán trái phiếu VAMC và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Eximbank, với bối cảnh thị trường năm nay, để thực hiện được mục tiêu trên, sẽ có không ít khó khăn với Ngân hàng.
Rủi ro nợ xấu tăng lên
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm nay, NHNN sẽ thực hiện quyết liệt và hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Nhưng hiện tại, với bức tranh thị trường đang phải đối mặt với khó khăn của dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng khó tránh được nợ xấu gia tăng.
Thông tin được ông Lê Minh Hưng đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương ngày 10/4/2020, theo tính toán của NHNN, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2020 thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại của cả ngành ngân hàng ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay.
Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, khoảng 2 triệu tỷ đồng, tương đương 23% dư nợ tín dụng của ngành tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo là 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thủy sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài hơn.
Một thực tế cho thấy, nợ xấu của ngành ngân hàng có xu hướng tăng trở lại trong năm qua. Theo thống kê của 22 ngân hàng đã công bố thuyết minh báo cáo tài chính 2019 tính đến 31/12/2019, chỉ có 6/22 ngân hàng có nợ xấu giảm so với đầu năm qua, điển hình như ACB (giảm 13%), VietinBank (CTG, giảm 21%), MSB (giảm 11%)… Các nhà băng còn lại đều có nợ xấu tăng, cá biệt TPBank tăng 43%…
Việc nợ xấu đang tăng trở lại tuy đã được cảnh báo từ kết quả 9 tháng đầu năm qua, thế nhưng sau khi tăng tốc để thực hiện kế hoạch trong quý cuối năm 2019, lợi nhuận tăng thì nợ xấu cũng tăng theo. Cụ thể, tổng nợ xấu của 22 ngân hàng được ghi nhận là 78.522 tỷ đồng vào cuối năm 2019, tăng 41% so với đầu năm. Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm mạnh 18%, nhưng nợ dưới chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 3% và 6% so với năm trước.