Ngân hàng số: Đường đua khốc liệt gia tăng lợi nhuận
Ngành ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua không khoan nhượng trong việc áp dụng công nghệ, xây dựng các ngân hàng số.
Khi số hóa đặt được vào lợi nhuận
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng tiêu dùng số ngày càng gia tăng, ngành ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua không khoan nhượng trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Tại Giải thưởng Sao Khuê 2025, nhiều ngân hàng đã được vinh danh nhờ những sản phẩm số hóa vượt trội. Đơn cử như BIDV được vinh danh tới 7 sản phẩm và giải pháp công nghệ thông tin xuất sắc; Vietcombank có 5 giải pháp số được ghi nhận; VietinBank ghi danh 5 sản phẩm dịch vụ; Agribank xuất hiện với 6 dịch vụ số… và hàng loạt các ngân hàng khác như Eximbank, MB, HDBank đều có từ 1 - 3 sản phẩm dịch vụ được trao giải lần này.
Những ghi nhận từ một giải thưởng ít nhiều cho thấy sự vào cuộc và đầu tư mạnh mẽ của các ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển sản phẩm dịch vụ số, đáp ứng nhu cầu giao dịch hiện đại. Nhưng điều đáng nói hơn là những dấu hiệu rõ rệt trong kết quả kinh doanh đã và đang cho thấy: đầu tư cho chuyển đổi số không còn là câu chuyện công nghệ, mà là cục đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là sự thể hiện nỗ lực có tính toán bài bản, nhắm đến mục tiêu chuyển mình thành các ngân hàng số toàn diện.
Điều này cũng lý giải vì sao các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh chi tiêu cho công nghệ, với ngân sách công nghệ chiếm tới 10 - 15% tổng chi phí hoạt động hàng năm.

Các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển sản phẩm dịch vụ số. Ảnh: Duy Minh
Tại đại hội cổ đông vừa được tổ chức vào tuần trước, đại diện lãnh đạo PvcomBank cho biết, năm 2024, huy động vốn trên kênh online của ngân hàng tăng 22% so với năm 2023, cho thấy những dấu hiệu tích cực đối với mục tiêu mở rộng kênh huy động đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ ngân hàng số trong tương lai. Kết quả ấn tượng này có được là nhờ những lợi thế nổi bật của PVcomBank, đặc biệt là nền tảng số hóa được đầu tư bài bản, góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm tài chính hiện đại.
Thị trường tài chính đang chứng kiến một sự phân tầng rõ rệt: những ngân hàng đẩy nhanh số hóa đang chiếm ưu thế về lợi nhuận, tăng trưởng người dùng mới và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ. Trong khi đó, các ngân hàng còn chậm trong đầu tư công nghệ đang bắt đầu đối diện áp lực chi phí và rủi ro mất khách hàng trẻ.
Số liệu mới nhất từ các ngân hàng công bố cho thấy lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 tăng trưởng ấn tượng, đơn cử: Vietcombank đạt 11.000 - 11.300 tỷ đồng, tăng 3 - 5%; MB có lợi nhuận tăng 10%, dẫn đầu nhờ mở rộng danh mục "ngân hàng số"; VIB có lợi nhuận tăng 5%, ghi nhận mức tăng trưởng khách hàng số lên tới 40%... Một số ngân hàng khác ước đạt: Techcombank là 8.300 tỷ đồng, tăng 6%; TPBank là 2.000 tỷ đồng, tăng 9%. Điểm chung của các nhà băng là lợi nhuận đến từ sản phẩm, dịch vụ số năm sau thường cao hơn năm trước.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sự đầu tư cho nền tảng điện toán đám mây, hệ thống xử lý dữ liệu tích hợp AI và ứng dụng trải nghiệm khách hàng theo thời gian thực giúp đã các ngân hàng tối ưu hóa chi phí hoạt động, tăng năng suất lao động và tăng trưởng thu nhập dịch vụ. Đáng chú ý, tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) của nhiều ngân hàng đã có xu hướng giảm dần trong 3 quý gần nhất nhờ chuyển đổi số. Tại MB, CIR giảm còn 34%, mức thấp nhất từ trước tới nay. Tại TPBank, chi phí đầu tư cho giao dịch truyền thống giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Tất cả những yếu tố này đã góp phần đưa con số lợi nhuận của các nhà băng tăng đều qua từng quý và cả năm.
Ngân hàng số: Đường đua không có vạch đích
Tại đại hội cổ đông năm 2025 của các ngân hàng vừa diễn ra, và chắc chắn là cả với những ngân hàng sắp tổ chức tới đây, "ngân hàng số" là một trong những chủ đề được nhắc đến dày đặc. Không chỉ là khẩu hiệu, các chiến lược cụ thể đã được vạch ra trong các báo cáo công bố. Đơn cử, Techcombank xác định sẽ tăng đầu tư cho nền tảng số và AI nhằm "cá nhân hóa" dịch vụ từng khách hàng, hướng đến ngân hàng "data-driven" (dựa trên dữ liệu). MB tuyên bố sẽ trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam và phát triển hệ sinh thái tài chính quân đội, trong đó tích hợp ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư trên một ứng dụng duy nhất.
Một nhà băng khác, VIB, nhấn mạnh sẽ tăng tốc chiến lược "digital first", đặt mục tiêu 90% khách hàng thực hiện giao dịch số vào năm 2026. Hay ACB đặt mục tiêu 80% giao dịch trên nền tảng số vào cuối 2025, đồng thời triển khai chatbot AI để hỗ trợ khách hàng 24/7. Còn BAOVIET Bank, thông điệp được gửi đi là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số, gia tăng tiền gửi trực tuyến trên các kênh online.
Một big 4 là BIDV, đã thông qua kế hoạch xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô lớn tại Hòa Lạc, kỳ vọng đưa ngân hàng này trở thành nền tảng số hóa vững chắc cho khu vực công và tư nhân. Theo Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú, nhà băng này đang tái định hình toàn diện ngân hàng dựa trên nền tảng số. Mục tiêu không chỉ là tiết kiệm chi phí, mà là tăng trải nghiệm khách hàng, đóng góp cho tăng trưởng bền vững.
Ông Vũ Văn Tiền - Phó Chủ tịch, thành viên thường trực HĐQT ABBank tại đại hội cổ đông vừa diễn ra cũng đã khẳng định: ABBank bắt buộc phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành.
Một thông tin khác cũng gây sốc thị trường tài chính và có thể là nỗi buồn của nhiều banker, tại đại hội đồng cổ đông ngân hàng Vietinbank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết ngân hàng này đang triển khai chiến lược sắp xếp, tinh gọn hệ thống và sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm big4 thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch. "VietinBank dự kiến cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn, tăng trải nghiệm. Đây là mục tiêu mà VietinBank đang đầu tư mạnh mẽ và sẽ thấy kết quả rõ rệt trong thời gian tới", ông Bình nhấn mạnh.
Không số hóa là tụt hậu "Chuyển đổi số không còn là xu hướng, đó là con đường sống còn. Ai chậm sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi" - ông Nguyễn Đông Lâm, Phó Tổng giám đốc VIB cũng đã đưa thông điệp của nhà băng này tới các cổ đông.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, đến lúc này, không còn là lựa chọn mà là mệnh lệnh bắt buộc. Những ngân hàng biết cách đầu tư, nhanh chóng thích nghi và đặt khách hàng làm trung tâm trong hành trình số hóa, sẽ là những người chơi bền bỉ và mạnh mẽ nhất trong cuộc đua tài chính số đang ngày càng khốc liệt này.