Giữa làn sóng thuế quan, đối thủ lớn nhất của iPhone có thể là bên hưởng lợi
Giữa điện thoại iPhone và điện thoại Samsung Galaxy có một điểm khác biệt quan trọng và điều này có thể trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.

Các mẫu điện thoại thông minh của Samsung được bày bán tại cửa hàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 22/4, không giống Apple, Samsung không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh. Đây là một chi tiết ngày càng trở nên đáng chú ý khi Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại trả đũa, dẫn đến mức thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ít nhất là 145%, ngoại trừ một số mặt hàng. Dù Apple đã chuyển một phần sản xuất sang các khu vực khác như Ấn Độ, nhưng theo ước tính hồi tháng 4 của công ty chứng khoán Wedbush, 90% sản lượng iPhone vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.
Điện thoại thông minh và một số thiết bị công nghệ cùng các linh kiện khác nằm trong danh sách ngoại lệ của ông Trump, tức là không bị áp các mức thuế trả đũa, nên được xem là cứu cánh cho Apple và các hãng điện thoại khác. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump cũng hứa hẹn rằng sẽ sớm ban hành một loại thuế mới nhắm vào chất bán dẫn, thành phần thiết yếu của các thiết bị điện tử.
Là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tính theo thị phần, Samsung dĩ nhiên không miễn nhiễm trước các mức thuế hay tác động kinh tế đi kèm. Tuy nhiên, hãng này cũng không phụ thuộc vào quốc gia đang là mục tiêu lớn nhất trong đợt áp thuế của ông Trump để sản xuất điện thoại. Có nghĩa là Samsung có thể không cần phải đảo lộn hoạt động sản xuất thiết bị di động nếu các mức thuế áp lên điện thoại sản xuất tại Trung Quốc đẩy giá bán lên cao.
Ông Gerrit Schneemann, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research chuyên theo dõi ngành điện thoại thông minh, nói: “Lợi thế là đúng, họ không phải đối mặt với mức thuế điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến”.
Cuộc chiến thuế có thể làm rung chuyển ngành công nghệ
Ngành công nghệ hiện phụ thuộc vào mạng lưới cung ứng linh kiện và cơ sở lắp ráp khổng lồ tại Trung Quốc để sản xuất hàng loạt thiết bị tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và màn hình. Một số thiết bị được miễn thuế trả đũa, nhưng nhiều sản phẩm khác thì không, trong đó có máy chơi game và tai nghe không dây.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục leo thang ngày 21/4, khi Trung Quốc cảnh báo áp dụng các biện pháp trả đũa với bất kỳ quốc gia nào hạn chế thương mại với Trung Quốc để làm hài lòng Mỹ. Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Trump đã tạm dừng áp thuế trả đũa trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc.

Điện thoại iPhone của Apple ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Trong một bản ghi chú ngày 20/4, các nhà phân tích của công ty Wedbush Securities viết rằng đàm phán với Trung Quốc cần diễn ra càng sớm càng tốt vì lợi ích của thị trường, ngành công nghệ và nền kinh tế Mỹ.
Bản ghi chú viết: “Nếu không, cuộc chiến thuế quan và thương mại này sẽ gây thiệt hại lớn cho tăng trưởng, làm gia tăng lạm phát… và khiến ngành công nghệ rơi vào tình trạng nhiều câu hỏi mà không có lời giải để khi muốn lên kế hoạch chiến lược”.
Do phụ thuộc vào Trung Quốc, Apple đã trở thành tâm điểm trong những rắc rối liên quan đến thuế của ngành công nghệ. Các nhà phân tích của UBS ước tính giá của một chiếc iPhone 16 Pro Max lắp ráp tại Trung Quốc có thể tăng vọt đến 800 USD – con số được đưa ra trước khi ông Trump tuyên bố điện thoại thông minh được miễn thuế trả đũa. Theo Wedbush, chỉ khoảng 5% iPhone được sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ, thêm 5% nữa được sản xuất ở các quốc gia khác.
Tình hình của Samsung lại rất khác. Hãng đã đóng cửa nhà máy điện thoại cuối cùng tại Trung Quốc vào năm 2019 sau khi để mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa, dù vẫn duy trì một số hoạt động khác tại đây. Nguồn tin nội bộ của Samsung nói rằng phần lớn hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của hãng diễn ra tại Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
Con số này phù hợp với ước tính từ giới phân tích: Counterpoint Research cho rằng 90% hoạt động sản xuất điện thoại của Samsung diễn ra tại Việt Nam. Công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation ước tính khoảng 50 - 60% hoạt động sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Việt Nam, trong khi Ấn Độ là trung tâm sản xuất lớn thứ hai, còn Hàn Quốc và khu vực Mỹ Latinh chiếm phần còn lại.
Samsung đã khai trương nhà máy điện thoại lớn nhất thế giới tại Ấn Độ vào năm 2018 và là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn nhất từ Ấn Độ trong năm 2024. Tuy nhiên, Apple cũng có hiện diện lớn tại quốc gia này. Cả hai hãng chiếm khoảng 94% tổng giá trị xuất khẩu điện thoại từ Ấn Độ.
Theo ông Ben Barringer - chuyên gia phân tích công nghệ toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư Quilter Cheviot, Samsung còn có thể hưởng lợi từ vai trò kép của mình, vừa là nhà bán lẻ thiết bị điện tử tiêu dùng vừa là nhà sản xuất linh kiện như màn hình, bộ nhớ và chip.
Ông Barringer nói: “Samsung có lợi thế ở chỗ họ là một trong số ít công ty trên thế giới tích hợp theo chiều dọc”.
Samsung đối mặt với "bức tranh nhiều mặt"
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn hoài nghi khả năng Samsung đa dạng hóa sản xuất sẽ dẫn đến tăng trưởng doanh số. Khách hàng của Apple thường rất trung thành và chưa rõ liệu giá tăng có khiến họ thay đổi lựa chọn hay không. Ông Schneemann nhận định: “Người tiêu dùng không nhất thiết sẽ chuyển từ Apple sang Samsung”.
Bà Linda Sui – Giám đốc cấp cao về chiến lược điện thoại thông minh toàn cầu tại công ty phân tích TechInsights – cũng tin rằng Apple sẽ có thể chuyển hoạt động sản xuất iPhone dành cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ. Theo các bài báo của Financial Times và The Times of India, công ty này đã tăng cường lượng iPhone xuất khẩu từ Ấn Độ sang Mỹ.
Apple và Samsung cũng phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau. Apple chỉ bán một vài mẫu iPhone, hầu hết đều thuộc phân khúc cao cấp với biên lợi nhuận lớn. Trong khi đó, Samsung thường cung cấp nhiều loại điện thoại hơn – đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ với dòng Galaxy A mà theo ông Schneemann là “đầu tàu về số lượng” của hãng.
Ông nói rằng với Samsung, đây là một bức tranh nhiều mặt, trong khi Apple đang thống trị phân khúc cao cấp.
Các mức thuế của ông Trump nằm trong nỗ lực lớn hơn nhằm đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ – điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ cũng đối mặt với thuế, dù ở mức thấp hơn và mức hiện tại là 10%. Do đó, Samsung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, mối quan ngại lớn hơn là liệu tình hình kinh tế có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng hay không. Điều có thể khiến nhu cầu điện thoại thông minh giảm sút nếu các mức thuế của ông Trump đẩy giá nhiều mặt hàng khác từ đồ chơi đến thực phẩm lên cao.
Ông Schneemann nhận định rằng điều đó có thể khiến người tiêu dùng sử dụng điện thoại lâu hơn, đặc biệt ở các thị trường đã bão hòa như Mỹ – nơi các dòng điện thoại cao cấp rất phổ biến. Nhu cầu tại các thị trường mới nổi cũng có thể chậm lại nếu người tiêu dùng cảm thấy sức ép.