Ngân hàng thành 'trùm' phát hành trái phiếu, đẩy lãi suất lên 7-8%/năm
Nhóm ngân hàng chiếm 67,2% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong 7 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Cụ thể, trong tháng 7 có 33 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 31.300 tỉ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỉ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.000 tỉ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá hơn 14.500 tỉ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7% giá trị.
Đáng chú ý, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, ngân hàng đã vượt bất động sản trở thành nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, đạt 122.988 tỉ đồng, tương đương 67,2% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đạt 39.349 tỉ đồng, chiếm khoảng 21,5%.
Để phát hành thành công trái phiếu, gần đây, các ngân hàng cũng đẩy lãi suất cao hơn so với lãi suất huy động thông thường.
Điển hình, BVBank vừa công bố chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) qua phương thức phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch. Dự kiến có 6 đợt phát hành với tổng cộng 56 triệu trái phiếu. Trong đó đợt 1 chào bán 15 triệu trái phiếu, thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng.
Từ năm thứ 2, lãi suất tham chiếu là lãi suất gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng, cuối kỳ của 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank liền trước kỳ điều chỉnh lãi suất hàng năm cộng biên độ 2,5%/năm.
Dự kiến trong đợt 1, BVBank sẽ huy động 1.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu ra công chúng. Đối tượng chào bán trái phiếu ra công chúng là khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu.
HĐQT ACB cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỉ đồng.
Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá phát hành bằng mệnh giá, kỳ hạn tối đa 5 năm. Mục đích phát hành trái phiếu nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư và bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tùy thuộc theo nhu cầu của thị trường. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trước đó Agribank, HDBank cũng chào bán trái phiếu ra công chúng để huy động hàng ngàn tỉ đồng.
Trong đó, Agribank chào bán 10.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng năm nay cho nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân và người nước ngoài tại tất cả điểm giao dịch trên toàn quốc.
Lãi suất trái phiếu Agribank được xác định bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh tại ngày xác định lãi suất, cộng biên độ 2%/năm. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh từ 4,6% - 4,7%/năm. Như vậy, lãi suất trái phiếu công chúng của Agribank là gần 7%/năm.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất trên 6%/năm như: VietinBank, SHB, BIDV, TPBank…
Theo các chuyên gia, quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ vốn cho vay trung và dài hạn thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn.
Ngoài ra, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn. Điều này lý giải vì sao ngân hàng vừa là nhóm dẫn đầu phát hành mới, đồng thời cũng là nhóm chủ yếu mua lại trái phiếu đã phát hành.
Nhiều đơn vị phân tích cùng nhận định trái phiếu ngân hàng sẽ có một năm bận rộn hơn các năm trước kia khi tín dụng được cải thiện.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Fiingroup, đánh giá để đạt tăng trưởng được tín dụng 15% cho cả năm 2024 thì các nhà băng phải có vốn. Tuy nhiên, hiện hệ số an toàn vốn của các nhà băng còn "mỏng" cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng này. Do vậy, trong lúc đợi tăng vốn cổ phần thì phát hành trái phiếu (vốn cấp 2) là hoạt động dễ thực hiện hơn bởi các ngân hàng.