Doanh nghiệp châu Á tìm cách thích ứng với thuế quan của Tổng thống Trump
Làm việc tại một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Tan Yew Kong chia sẻ rằng công ty của ông giống như một tiệm may, sẵn sàng tùy chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Đài BBC (Anh) dẫn lời ông Tan Yew Kong tại công ty GlobalFoundries chi nhánh ở Singapore nói: “Hãy cho chúng tôi biết bạn muốn gì, thích thiết kế nào và chúng tôi sẽ sản xuất cho bạn”.
Ở thời điểm này, GlobalFoundries đang tùy chỉnh kế hoạch tương lai để thích ứng với chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều quốc gia đang gấp rút đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump khi đồng hồ đếm ngược đến hạn chót hoãn thuế quan. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố loạt mức thuế đối ứng áp dụng với đối tác thương mại, nhưng đã tạm hoãn thực thi đối với nhiều nước trong vòng 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho đàm phán và thời hạn là ngày 9/7.
Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 7/7 đưa tin rằng Tổng thống Trump xác nhận ông bắt đầu gửi những lá thư đầu tiên về thuế quan và thỏa thuận thương mại đến các quốc gia khác. Nhà lãnh đạo Mỹ đăng trên mạng xã hội Truth Social: "Tôi vui mừng thông báo rằng các lá thư thuế quan/thỏa thuận của Mỹ với nhiều quốc gia trên khắp thế giới sẽ được gửi bắt đầu từ 12 giờ trưa Thứ Hai, ngày 7/7 (giờ địa phương)".
Cho đến nay, chất bán dẫn được miễn thuế nhưng ông Trump nhiều lần đe dọa đánh thuế đối với chúng. Diễn biến không chắc chắn này khiến các doanh nghiệp gần như không thể lập kế hoạch cho tương lai. Vào đầu tháng 7, Bloomberg (Mỹ) đưa tin Nhà Trắng đang có kế hoạch thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát đối với chip trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách hạn chế lô hàng đến Malaysia và Thái Lan để xử lý tình trạng buôn lậu công nghệ này sang Trung Quốc.
Về phần mình, ông Tan Yew Kong chia sẻ rằng điều này khiến các doanh nghiệp khó lập kế hoạch dài hạn. Các nhà máy của GlobalFoundries, nơi ông Tan Yew Kong đang công tác, có mặt ở nhiều nơi trên toàn thế giới, trong đó có cả Ấn Độ, Hàn Quốc. GlobalFoundries có trụ sở chính tại Mỹ, được một số nhà thiết kế và sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới như AMD, Broadcom và Qualcomm ký hợp đồng để sản xuất chip của họ. Gần đây, GlobalFoundries đã công bố kế hoạch tăng đầu tư lên 16 tỷ USD khi nhu cầu về phần cứng AI tăng vọt. GlobalFoundries đồng thời cam kết với chính quyền Tổng thống Trump để chuyển một phần hoạt động sản xuất chip và chuỗi cung ứng sang Mỹ.
Các nhà sản xuất chip, công ty dệt may và nhà cung ứng linh kiện ô tô vốn có chuỗi cung ứng chặt chẽ chạy qua châu Á, đang gấp rút hoàn thành các đơn đặt hàng, cắt giảm chi phí và tìm kiếm khách hàng mới trong bối cảnh nhiều bất trắc trước mắt.
Bà Aparna Bharadwaj tại Boston Consulting Group nhận định: "Các doanh nghiệp cần xem xét lại mức độ dự trữ an toàn, đồng thời tăng tồn kho và kéo dài thời gian sản xuất ứng phó với biến động”. Bà bổ sung rằng điều này có thể tạo cơ hội mới, nhưng cũng tác động đến khả năng cạnh tranh và thị phần của họ ở một số quốc gia nhất định. Nói cách khác, sự bất định là trạng thái bình thường mới.

Quang cảnh khu cảng hàng hóa trên sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Thủ tướng Malaysia từng đánh giá thuế quan sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều ngành công nghiệp, bao gồm dệt may, đồ nội thất, cao su và nhựa. Các nước Đông Nam Á chiếm 7,2% GDP toàn cầu vào năm 2024. Vì vậy, chi phí phát sinh do thuế quan có thể gây tác động nghiêm trọng và lâu dài. Trong khu vực, mới chỉ có Việt Nam đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đã theo đuổi đàm phán thương mại trong thời gian tạm hoãn thuế quan. Và khi thời hạn đang đến gần, Tổng thống Trump thậm chí đe dọa Tokyo với mức thuế thậm chí còn cao hơn - lên tới 35%. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể nằm trong số những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty như Mazda cho biết họ đang trong chế độ sinh tồn bởi thời gian và các quy trình kéo dài liên quan đến việc thay đổi nhà cung cấp cũng như điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ.
Indonesia và Thái Lan đã đề nghị tăng nhập khẩu và giảm thuế đối với hàng hóa của Mỹ. Các quốc gia như Campuchia, vốn phải đối mặt với mức thuế quan khổng lồ là 49%, nhưng không đủ khả năng mua thêm hàng hóa từ Mỹ.
Giáo sư Pushan Dutt tại trường kinh doanh INSEAD phân tích: "Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào cả Trung Quốc và Mỹ... họ gần như nằm ở trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu có thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong các mô hình giao dịch, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn".
Ông Pushan Dutt bổ sung rằng các quốc gia có nhu cầu nội địa lớn như Ấn Độ có thể được bảo vệ khỏi cú sốc thương mại, nhưng những nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu - như Singapore và thậm chí là Trung Quốc - sẽ đối mặt với tác động lớn.
Bà Bharadwaj đánh giá Mỹ là thị trường quan trọng đối với nhiều quốc gia và bổ sung rằng: “Cho dù thuế quan có thay đổi thế nào, Mỹ vẫn là khách hàng quan trọng của nhiều doanh nghiệp châu Á. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với thị trường tiêu dùng năng động”.
Không chỉ tác động đến các nhà sản xuất Đông Nam Á, thuế quan của Tổng thống Trump còn làm tăng chi phí đối với các công ty Mỹ hoạt động tại khu vực này nhiều thập niên qua. Một số doanh nghiệp Mỹ bày tỏ rằng họ sẽ phải chuyển phần chi phí gia tăng lên sản phẩm, khiến khách hàng phải chịu giá cao hơn.
Các chuyên gia cũng đánh giá rằng đầu tư nước ngoài có thể chuyển từ Lào và Campuchia sang các quốc gia có mức thuế quan thấp hơn như Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm khách hàng mới - với Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông và Mỹ Latinh là những thị trường tiềm năng.
Ông Tan của GlobalFoundries nói: “Chúng tôi không còn toàn cầu hóa nữa mà là khu vực hóa nhiều hơn. Tìm đến nơi mà chúng tôi cảm thấy an toàn và nguồn cung sẽ được duy trì. Nhưng mọi người sẽ phải quen với thực tế là sản phẩm không còn rẻ như trước nữa”.
Cho đến nay, thỏa thuận Mỹ-Việt Nam mới chỉ là thỏa thuận thương mại thứ hai được công bố. Cho đến khi có nhiều thỏa thuận hơn được ký kết, các doanh nghiệp và nền kinh tế ở châu Á có thể phải mở ra một con đường mới.
Giáo sư Dutt tóm tắt những gì đang diễn ra bằng một câu tục ngữ cũ: "Cúi đầu trước người cai trị, rồi đi theo con đường của riêng bạn".