Ngân hàng VietinBank (CTG): Sẽ thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng vốn thêm 40%
Ban lãnh đạo Ngân hàng VietinBank (mã cổ phiếu CTG) cho biết Ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 40% nhằm củng cố năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung của Chính phủ.
Lợi nhuận trước thuế quý 1 ước tăng 6%
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Ngân hàng VietinBank, mã cổ phiếu CTG - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng như định hướng kinh doanh, kế hoạch tăng vốn điều lệ, định hướng kinh doanh, bầu bổ sung nhân sự cấp cao…
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank cho biết, Ngân hàng trong thời gian qua đã đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các mặt hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, phát triển giải pháp ngân hàng tài chính hiện đại, chất lượng dịch vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu tài chính của khách hàng.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank phát biểu tại Đại hội.
Qua đó, Ngân hàng VietinBank đã ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động đạt 81,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất ngành ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023, hoàn thành 115% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản hợp nhất đạt 2,39 triệu tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 được kiểm soát ở mức 1,1%, tuân thủ hạn mức kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Đồng thời, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao, đạt 171,7%.
Bước sang năm 2025, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank đánh giá năm nay là “năm then chốt” của Ngân hàng trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, với tầm nhìn đến năm 2030, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Theo đó, Ngân hàng VietinBank sẽ tiếp tục tập trung 4 trọng tâm chiến lược, gồm: tăng trưởng thu nhập lõi, đảm bảo hiệu quả và bền vững; Tăng mức độ gắn kết khách hàng, trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng; Quản trị nguồn lực hiệu quả; và Tăng cường năng lực quản trị rủi ro.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng Vietinbank.
Tổng tài sản của Ngân hàng VietinBank trong năm nay dự kiến tăng trưởng từ 8% - 10%. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản, và tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở dưới mức 1,8%.
Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu) cũng được Ngân hàng VietinBank thực hiện theo phê duyệt của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Ngân hàng VietinBank cũng cho biết, các kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong quý 1/2025 đều ở mức tích cực. Trong đó, tổng tài sản ước tăng 3,9% so với cuối năm 2024, dư nợ tín dụng ước tăng 4,7% so với cuối năm 2024; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31/2024/TT-NHNN được kiểm soát ở mức 1,3%; và lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2024.
Quản trị chặt chẽ rủi ro tín dụng, tích cực thu hồi nợ ngoại bảng

Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank phát biểu tại Đại hội.
Tại Đại hội, ban lãnh đạo Ngân hàng VietinBank đã dành nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của cổ đông, đặc biệt là các vấn đề về quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh, lộ trình tăng vốn…
Với câu hỏi về quản trị rủi ro, ông Trần Bình Minh nhấn mạnh Ngân hàng VietinBank luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành với “khẩu vị” tín dụng chặt chẽ, luôn tiến hành phân tích từng ngành để hoạch định danh mục cấp tín dụng phù hợp.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng nợ được Ngân hàng VietinBank xác định là một trong những trụ cột quan trọng để tiết kiệm chi phí tín dụng, kiểm soát chi phí dự phòng và đạt chỉ tiêu về lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã giao cả năm.
“Chúng tôi chủ động kiểm soát và phân luồng sớm các khoản nợ có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro. Với những khách hàng khó khăn nhưng có khả năng phục hồi, chúng tôi cơ cấu lại nợ để hỗ trợ họ vượt qua, hạn chế phát sinh nợ xấu. Còn với những khoản không phục hồi được thì chúng tôi chuyển sớm thành nợ xấu và trích lập dự phòng, xử lý rủi ro. Năm 2025, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% và cố gắng nỗ lực kiểm soát ở mức khoảng 1,2-1,3%”, Chủ tịch Ngân hàng VietinBank cho biết.
Đặc biệt, hệ thống nhận diện rủi ro của Ngân hàng VietinBank đã tiến gần tới mức tự động, khi có những phát hiện đột biến, hệ thống sẽ có cảnh báo sớm để Ngân hàng cơ cấu lại hoặc chuyển nợ xấu sớm nhất có thể.
Ông Trần Bình Minh cĩng nhấn mạnh Ngân hàng VietinBank đã trích lập dự phòng khoảng 27.500 tỷ đồng trong năm ngoái. Đây là con số rất lớn so với các ngân hàng khác, thể hiện sự chủ động và tiềm năng sinh lời của Ngân hàng. Thu hồi nợ ngoại bảng là một trụ cột quan trọng tạo ra lợi nhuận hàng năm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất. Trong năm 2024, Ngân hàng đã thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng.
Thay đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng hệ sinh thái, đẩy mạnh chuyển đổi số
Về chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, Chủ tịch Ngân hàng VietinBank cho biết Ngân hàng đang muốn thay đổi mô hình tăng trưởng với mục tiêu mảng tín dụng sẽ đóng góp 50% kết quả kinh doanh, còn lại đến từ hệ sinh thái - bao gồm công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quản lý quỹ… và các hoạt động phí. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy triển khai sâu rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu suất hoạt động.
Theo ông Trần Bình Minh, Ngân hàng Vietinbank đang triển khai gần 108 dự án chuyển đổi số, với sự tư vấn từ các tổ chức tư vấn nổi tiếng trong nước và quốc tế, tập trung vào 2 mảng việc chính là nâng cấp hoạt động kinh doanh cốt lõi và thay đổi mô hình ngân hàng (changing bank).

Ban lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.
“Một số dự án tiêu biểu như nâng cấp CRM để gợi ý bán hàng tự động cho nhân viên, giúp tăng hiệu quả bán và thu thập dữ liệu khách hàng. Chúng tôi cũng đang phát triển công cụ tư vấn đầu tư, gợi ý cho khách hàng đầu tư vào các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Cái này tận dụng hệ sinh thái khách hàng vô cùng đa dạng của VietinBank. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị triển khai cho vay tín chấp hoàn toàn tự động dành cho khách hàng trả lương qua VietinBank thông qua nền tảng iPay”, Chủ tịch Ngân hàng VietinBank cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng VietinBank, tỷ lệ các sản phẩm online hiện đã chiếm khoảng 50% tổng giao dịch của Ngân hàng.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết thêm: “Hiệu quả hoạt động của Ngân hàng VietinBank thời gian qua rất rõ ràng. ROE của chúng tôi liên tục tăng, thuộc top đầu toàn ngành. Điều này thể hiện hiệu quả sử dụng vốn của cổ đông luôn được đảm bảo. Giá cổ phiếu CTG trong năm 2024 cũng tăng đến 40%, điều đó cho thấy hiệu quả kinh doanh và phần nào mang lại giá trị cho cổ đông. Chúng tôi luôn coi việc duy trì được những con số đó là nỗ lực lớn, đặc biệt khi đi kèm với trách nhiệm mở rộng quy mô vốn điều lệ trong thời gian tới”.
Kế hoạch tăng 40% vốn điều lệ, củng cố năng lực tài chính
Cuối cùng, với các câu hỏi về lộ trình tăng vốn điều lệ, ông Trần Bình Minh cho biết việc tăng vốn là hết sức cần thiết và Ngân hàng VietinBank đang có kế hoạch tăng thêm 40% so với mức vốn điều lệ hiện tại (hơn 53.000 tỷ đồng).
“Tuy nhiên, tôi cho rằng số vốn này là quá nhỏ nếu so với nhu cầu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng phát triển của đất nước. Chính vì vậy, việc tăng vốn là điều hết sức cần thiết để đảm bảo các chỉ số an toàn, tuân thủ các chuẩn mực, đặc biệt là trong bối cảnh VietinBank là ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối”, Chủ tịch Ngân hàng VietinBank nói.
Hiện các kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức, phân phối lợi nhuận của Ngân hàng VietinBank sẽ cần trình và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan chủ quản khác.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank cho biết thêm, Ngân hàng hiện chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, mà sẽ tăng vốn bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Do Ngân hàng hiện rất cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel 2, hướng đến Basel 3.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ các tờ trình của HĐQT Ngân hàng VietinBank đã được cổ đông thông qua.