Ngăn ngừa tai nạn, ứng phó cháy khi tàu metro chạy ngầm
Để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi tàu metro chạy đường ngầm gặp nạn, gặp cháy cần có các quy định, hướng dẫn riêng.
Ứng phó sự cố cháy trong đường ngầm
Cùng với tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông đã đi vào khai thác, các tuyến đường sắt đô thị có đoạn đi ngầm cũng đang được xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM.
Các tuyến này độc lập, không có giao cắt đồng mức, xây dựng đoạn trên cao, đi ngầm; cùng đó công nghệ hiện đại hỗ trợ phòng vệ đoàn tàu, giám sát an toàn hệ thống, giám sát tốc độ chạy tàu góp phần quan trọng ngăn ngừa tai nạn giao thông đường sắt, giảm thiểu lỗi do vận hành. Tuy nhiên, theo đại diện trường Cao đẳng Đường sắt, vẫn có khả năng xảy ra tai nạn do vận hành thiết bị, lỗi thiết bị, do lỗi trong bảo trì thiết bị, hạ tầng hoặc do cháy.
Do vậy, cần nâng cao tính phòng ngừa trong vận hành, bảo trì, xây dựng phương án ứng phó sự cố cháy.
Theo đại diện trường Cao đẳng Đường sắt, đối với phương án ứng phó cháy, nếu hỏa hoạn xảy ra ở khu vực dưới lòng đất trong khi tàu đang trên đường đến ga tiếp theo, biện pháp cơ bản là đến ga tiếp theo càng nhanh càng tốt. Nếu tàu dừng giữa khu gian, cần phải sơ tán hành khách, tránh bị hít khói.
Để thực hiện điều này, hệ thống thông gió đã được lắp đặt trong các đoạn ngầm của các tuyến đường sắt đô thị sẽ đưa luồng không khí đi ngược lại hướng di tản của hành khách, đẩy khói ra khỏi hành khách.
Có hai phương pháp sơ tán khỏi đoàn tàu, từ đầu trước/sau của đoàn tàu và từ mạn toa tàu. Trong trường hợp có ray thứ ba, để đảm bảo an toàn, phải ngắt nguồn điện vào ray thứ ba trước khi sơ tán hành khách.
"Ngoài ra, điều quan trọng là phải duy trì hợp tác và có sự diễn tập với các tổ chức bên ngoài như cứu hỏa và công an, y tế thường xuyên", vị đại diện cho biết.
Ngăn ngừa tai nạn tại điểm bảo dưỡng đường ray
Cũng theo vị đại diện, bảo dưỡng đường ray là hoạt động thường xuyên góp phần đảm bảo an toàn chạy tàu. Công tác bảo dưỡng đường sắt đô thị hiện nay chủ yếu dùng phương tiện bảo trì chuyên dụng. Chính vì vậy, mỗi khi bảo trì đều có kế hoạch, quy định thời gian, có quy trình thực hiện và biện pháp đảm bảo an toàn, phòng vệ khu vực bảo trì. Tuy nhiên, nếu một đoàn tàu đi vào khu bảo dưỡng, sẽ có khả năng xảy ra một số tai nạn nghiêm trọng.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và công nhân bảo dưỡng, người giám sát phải được đăng ký thi công, bảo trì, được cho phép lệnh điều độ chạy tàu. Nhân viên điều độ tàu hoặc nhân viên nhà ga đưa ra cảnh báo thích hợp có biện pháp phòng vệ khu vực bảo dưỡng. Kết thúc quá trì thi công, bảo dưỡng phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm tra thực tế hiện trường trước khi kết thúc thời gian thi công, bảo trì.
Cần được xác nhận, trao đổi với nhân viên điều độ hoặc nhân viên nhà ga, người giám sát cần thực hiện theo từng bước quy trình, quy định bằng cách sử dụng kiểm đếm, kiểm tra.
"Để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp, việc lắp đặt thiết bị phòng vệ tín hiệu di động ngừng tại khu vực bảo trì và thu hồi sau khi kết thúc là điều kiện cần thiết", đại diện trường Cao đẳng Đường sắt nhấn mạnh.