Ngăn rủi ro từ giao dịch số

Sự phổ biến của dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ tài chính nhanh chóng, linh hoạt. Song, nguy cơ gian lận và lừa đảo tài chính cũng gia tăng nhanh chóng với mức độ tinh vi chưa từng có.

Khách hàng sử dụng dịch vụ của VCBDigibank trên điện thoại thông minh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khách hàng sử dụng dịch vụ của VCBDigibank trên điện thoại thông minh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

"Lá chắn số" kiểm soát rủi ro

Trong bối cảnh rủi ro ngày càng phức tạp, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng năng lực bảo mật và phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn cho người dùng.

Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, bắt đầu từ sau ngày 31/7/2025, hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo (SIMO) của ngành ngân hàng sẽ chính thức được đưa vào vận hành. Việc tất cả ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán cùng tham gia chia sẻ thông tin về các tài khoản liên quan đến hành vi lừa đảo sẽ tạo nên một kho dữ liệu lớn và có tính kết nối cao, đóng vai trò như "lá chắn" giúp cảnh báo kịp thời cho người dùng khi thực hiện giao dịch.

Cụ thể, hệ thống sử dụng AI có khả năng rà soát tài khoản nhận trước khi giao dịch được hoàn tất, nhằm phát hiện liệu tài khoản đó có nằm trong danh sách "đen" hay không. Nếu có dấu hiệu bất thường, giao dịch sẽ lập tức bị chặn và khách hàng được cảnh báo ngay lập tức.

Theo ông Vũ Thành Trung, khối lượng dữ liệu là rất lớn, không thể chờ xử lý thủ công hay hậu kiểm, vì chỉ sau 5 phút là tiền đã có thể bị rút hết. Do đó, hệ thống AI phải hoạt động ngăn chặn giao dịch theo thời gian thực. Ngoài AI, MB còn sở hữu đội ngũ hơn 2.000 kỹ sư công nghệ và 300 chuyên gia dữ liệu chuyên trách phát hiện bất thường trong hành vi người dùng, một nỗ lực toàn diện nhằm thiết lập "lá chắn sống" trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi. Đến nay, hệ thống này của MB đã phát hiện và ngăn chặn hơn 1.000 giao dịch chuyển tiền đáng ngờ mỗi tháng, tương đương giá trị hàng chục tỷ đồng.

Kế hoạch triển khai trên là kết quả của sự phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ, thể hiện nỗ lực xây dựng một hệ thống cảnh báo và phòng ngừa rủi ro có tính liên thông, đồng bộ trong toàn ngành. Sau khi các ngân hàng lớn hoàn tất triển khai, mô hình sẽ được mở rộng áp dụng trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại.

"Thay vì để mỗi ngân hàng tự vận hành riêng lẻ, chúng tôi đang tiến tới một cơ chế phối hợp chủ động. Hễ phát hiện dấu hiệu lừa đảo là cùng hành động để ngăn chặn ngay lập tức. Việc liên kết như vậy sẽ giúp ngành ngân hàng phát hiện và xử lý hiệu quả hơn nhiều tài khoản gian lận so với trước đây", ông Vũ Thành Trung chia sẻ.

Trước đó, ngành ngân hàng đã bước đầu triển khai xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7/2024 đối với các giao dịch từ 10 triệu đồng và áp dụng đại trà từ 1/1/2025. Đến nay, ngành ngân hàng đã làm sạch được 95% tài khoản không chính chủ hoặc liên quan đến hành vi lừa đảo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng đang góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia thông qua việc phát triển các dịch vụ tài chính số, ứng dụng xác thực sinh trắc học, mã QR, AI, dữ liệu lớn (Big Data)... để nâng cao trải nghiệm người dùng và đảm bảo an toàn trong giao dịch.

Hệ sinh thái tài chính số an toàn

Dù chuyển đổi số đã được các ngân hàng đẩy mạnh với nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng hành trình số hóa trong ngành tài chính - ngân hàng vẫn chưa thực sự bằng phẳng. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, còn không ít rào cản cần vượt qua như dữ liệu phân tán khó khai thác hay hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tiễn.

Trước những rào cản nhất định trong quá trình số hóa, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đề xuất cần thiết lập một hệ sinh thái số đồng bộ; trong đó ngân hàng, doanh nghiệp và khách hàng cùng tham gia, cùng hưởng lợi và phát triển. Đồng thời, khung pháp lý cho các sản phẩm tài chính số như ứng dụng di động (App), định danh điện tử (eKYC) cần sớm được hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.

Song song với đó, ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc đẩy mạnh số hóa các quy trình lõi như thẩm định tín dụng, phê duyệt hồ sơ và kiểm soát sau giải ngân. Việc chuyển từ quy trình giấy tờ sang tự động hóa sẽ giúp ngân hàng rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng quan điểm, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Khối Công nghệ và Chuyển đổi số Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc dữ liệu trong nội bộ ngân hàng vẫn đang bị chia cắt, dẫn đến tình trạng "có dữ liệu nhưng không khai thác hiệu quả". Theo ông, để thực hiện chuyển đổi số một cách thực chất, việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các bộ phận là yếu tố bắt buộc, giúp các ngân hàng có thể tận dụng AI trong phân tích hành vi người dùng, từ đó cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ theo đúng nhu cầu của từng khách hàng.

Song việc phòng ngừa rủi ro không thể chỉ trông chờ vào công nghệ đơn lẻ hay sự nỗ lực của từng ngân hàng, mà điều cần thiết hơn cả là hình thành một hệ sinh thái tài chính số an toàn. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình tài chính số, ban hành luật về chuyển đổi số, luật công nghiệp số, cũng như triển khai sandbox để thử nghiệm các giải pháp mới. Đồng thời, cần tăng cường xử lý nghiêm các hành vi gian lận tài chính và lừa đảo công nghệ cao để bảo vệ người tiêu dùng.

Doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính (Fintech), cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp giải pháp xác thực, định danh điện tử, phân tích hành vi bất thường nhằm ngăn chặn gian lận. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng và cơ quan quản lý để đảm bảo dữ liệu người dùng được bảo vệ đúng quy định.

Ông Lương Tuấn Thành đề xuất cơ quan quản lý nên thúc đẩy chính sách khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech, tạo ra "mô hình đôi bên cùng thắng", nơi mỗi bên khai thác được lợi thế của nhau để mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng.

Lê Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/ngan-rui-ro-tu-giao-dich-so-20250503085354308.htm