Ngăn 'sóng' nghỉ việc, doanh nghiệp lên kế hoạch vực dậy tinh thần nhân viên
Trong thời gian dịch bệnh, mọi người trải qua sự rối loạn tinh thần, căng thẳng lo âu, stress. Đặc biệt, nhiều người thay đổi hoàn toàn khái niệm về công việc cố định và thích làm việc tự do.
“Còi” báo động
The Lancet – Tạp chí về Y tế nổi tiếng trên thế giới đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe Y tế toàn cầu tại Luân Đôn năm 2018 chỉ ra: mỗi năm, chúng ta mất đi 12 tỷ ngày lao động chỉ vì vấn đề người lao động gặp những rối loạn về sức khỏe tinh thần nên không thể quay lại nơi làm việc được.
Hiện nay trên thế giới có 2 tỷ người bị mắc các chứng bệnh về sức khỏe tinh thần. Dự kiến đến năm 2030 thì nền kinh tế toàn cầu mất đi 16 nghìn tỷ USD chỉ vì những chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần. Và mỗi năm nước Mỹ chi tiêu 300 tỷ USD chỉ để khắc phục những sự cố do căng thẳng tại nơi làm việc, ở châu Âu con số này còn lên đến 650 tỷ USD.
Đây là những con số rất đáng báo động cho thấy sức khỏe tinh thần là thứ con người rất cần quan tâm và nghiêm túc nghĩ đến chuyện thế giới của đang vận hành như thế nào và đời sống tinh thần của con người đang ra làm sao. Đó là câu chuyện toàn cầu.
Còn nếu nói về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong môi trường doanh nghiệp đang trở thành ưu tiên cấp bách trong doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho nhân viên sử dụng túi bảo vệ môi trường để họ cảm thấy mình đóng góp cho cộng đồng, doanh nghiệp của mình
Khảo sát của Harvard business Review cho thấy, năm 2021, tỷ lệ người lao động không quay lại công việc được do vấn đề về sức khỏe tinh thần gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở nhóm Gen Y và Gen Z.
91 % người tham gia khảo sát cho ý kiến là tổ chức là nơi nên quan tâm và chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Tổ chức chính là nơi theo sát và hiểu rõ nhân viên nhất và có khả năng chăm sóc, hỗ trợ nhân viên tốt nhất, trước khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ ở bên ngoài.
78% doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động là thiết yếu cho kế hoạch kinh doanh. Nhận thức về việc này đã được nâng cao rất nhiều trong thời gian gần đây.
Việt Nam không nằm ngoài câu chuyện đó khi cùng thế giới trải qua đại dịch Covid-19 với sự khủng hoảng không hề kém. Những vấn đề mà mọi người trải qua như rối loạn tinh thần, căng thẳng lo âu, stress… Nhiều người thay đổi hoàn toàn khái niệm về công việc.
Đã có làn sóng nghỉ việc rất lớn trên thế giới. Ở Việt Nam, thế thệ Y, Z cũng có những suy nghĩ khác biệt, coi trọng những giá trị về ý nghĩa trong cuộc sống, có xu hướng chuyển sang công việc làm tự do. Đó cũng là thách thức cho các lãnh đạo doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngược lại, không chỉ nhân viên mà lãnh đạo cũng cực kỳ căng thẳng và cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Câu chuyện sức khỏe tinh thần không chừa bất cứ ai.
Theo Havard Business Review, lãnh đạo còn có tỷ lệ gặp phải các triệu chứng căng thẳng sức khỏe tinh thẩn cao hơn. Đối tượng này rất cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần.
“Chúng tôi áp dụng lãnh đạo chánh niệm để giúp các lãnh đạo tận hưởng niềm vui trong công việc chứ không phải là đánh đổi sự an lành của mình để có được thành công trong công việc”, bà Quách Hiền, CEO Coach For Life (CFL) cho hay.
4 trụ cột về sức khỏe tinh thần
Ngoài sự phát triển quá nhanh của công nghệ, xu hướng lần đầu tiên trong lịch sử, có 5 thế hệ (Mature, Baby Boomer, X, Y, Z) cùng làm việc trong một môi trường, với những đặc điểm và nhu cầu hoàn toàn khác nhau mà tổ chức cần dung hòa và giải quyết các vấn đề tinh thần liên quan đến sự khác biệt này.
Ở vị trí Tổng giám đốc của Saint Gobain Việt Nam với hàng nghìn nhân viên ở cả Bắc và Nam, ông Nguyễn Trường Hải, Tổng Giám Đốc Saint-Gobain Vietnam cho rằng, lãnh đạo phải làm gương trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Đây là điều cần làm liên tục vì chúng ta có thể nói rất hay, nghiên cứu rất sâu nhưng điều đầu tiên và liên tục là làm gương và chịu trách nhiệm trước nhân viên.
“Chúng tôi muốn chặt nhân viên làm trọng tâm của các hoạt động, không làm cho nhân viên mất thời gian và trao cho họ những giá trị”, ông Hải chia sẻ.
Mỗi người một công việc nhưng khi chạy cùng với nhau thì họ là đồng đội, các phòng ban sẽ được tương tác với nhau.
Trong khi đó, ở AEON Việt Nam, sức khỏe tinh thần đến từ bốn trụ cột chính, gồm: sự mạnh khỏe về thể chất, chất lượng cảm xúc, sự phát triển về trí tuệ, đời sống tinh thần… Một trụ cột nếu không bền vững thì những trụ cột còn lại cũng dễ sụp đổ. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên, AEON có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Chẳng hạn, khuyến khích nhân viên chăm lo đồng đội của mình. Tặng chậu cây chào đón nhân viên quay trở lại làm việc sau giãn cách. Những quan tâm nhỏ, không tốn nhiều chi phí nhưng tạo ra sức mạnh tập thể rất lớn. Thậm chí Tổng giám đốc cũng tham gia quay video nhảy tiktok để góp vui cho mọi người trong mùa dịch. Khi nhân viên vui, họ sẽ tiếp thu rất nhanh và làm rất tốt.
“Phải quản trị năng lượng để đem lại hiệu suất lớn nhất”, bà Nguyễn thị Ngọc Huệ, Giám đốc, phụ trách quản trị chiến lược nguồn nhân lực AEON Việt Nam nói.
Theo bà Quách Hiền, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động là một ưu tiên cấp bách trong doanh nghiệp. Bởi bài toán chi phí và lợi ích. Nếu nhân viên có sức khỏe tinh thần giảm sút sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và ngay lập tức tổ chức sẽ mất đi chi phí rất lớn. Nếu sức khỏe tinh thần tốt sẽ tác động tốt đến kết quả làm việc của người lao động. Theo một khảo sát của PWC, cứ mỗi 1 USD chi tiêu cho tinh thần lao động thì tổ chức sẽ nhận lại 10 USD.