Ngành chăn nuôi vượt khó, duy trì đà tăng trưởng
Trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và biến động thị trường, sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh thời gian qua vẫn duy trì đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh.

Gia đình anh Bùi Việt Anh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đầu tư chuồng trại khép kín theo mô hình bán tự động nuôi 9 nghìn gà đẻ, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Giá cả bấp bênh, không ổn định; tình hình thiên tai và dịch bệnh ngày càng khó lường là những khó khăn ngành chăn nuôi đã và đang phải đối mặt. Năm 2024, bên cạnh việc bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục xảy ra trong khu vực chăn nuôi nông hộ ở các tỉnh, thành trên cả nước, sự xuất hiện của bão số 3 (tháng 9/2024) làm thiệt hại hơn 60 nghìn con gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến nhiều hộ chăn nuôi.
Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đạt hơn 90% tổng đàn, qua đó không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên diện rộng.
Nhiều giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được thực hiện nghiêm ngặt. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được triển khai, cơ giới hóa được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành chăn nuôi những năm gần đây vẫn duy trì đà tăng trưởng. Chăn nuôi trong tỉnh đang phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, quy mô lớn, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao như công nghệ nuôi chuồng kín, hệ thống máng ăn, uống tự động và sử dụng chủ yếu thức ăn công nghiệp. Chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm dần. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 cơ sở chăn nuôi bò sữa, hơn 1.300 cơ sở chăn nuôi lợn, gần 1.400 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại.
Mặc dù số lượng đầu gia súc, gia cầm có sự sụt giảm nhẹ, song sản xuất chăn nuôi năm 2024 vẫn có bước phát triển khá. Ngoài sản lượng thịt trâu, bò hơi giảm 3,14%, thịt gia cầm giảm 1%, các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng thịt lợn hơi đạt 89,2 nghìn tấn, tăng 8%; sản lượng trứng gia cầm đạt 809,7 triệu quả, tăng 10,2%; sữa bò tươi đạt 60,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với năm 2023.
Trong khi giá trị tăng thêm của ngành trồng trọt và thủy sản đều ghi nhận mức giảm thì tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2024 vẫn đạt gần 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,03% so với năm 2023, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 61,6% trong nông nghiệp của tỉnh.
Tiếp nối đà tăng trưởng qua các năm, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2025 đạt hơn 2,4% so với năm 2024. Đồng thời phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt 138,2 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt hơn 810 triệu quả và sữa bò tươi đạt 61 nghìn tấn.
Theo nhận định, năm 2025 mặc dù kinh tế thế giới, trong nước đang có triển vọng phục hồi, nhưng nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Giá thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi không ổn định, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, giúp chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.