Ngành chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và nhu cầu tiêu dùng thế giới chậm lại, ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chứng tỏ được vai trò động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Theo Cục Thống kê, trong con số GDP sáu tháng đầu năm 2025 tăng trưởng 7,52%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm. "Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế", Cục Thống kê bình luận.

Theo các chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng mạnh mẽ này không phải ngẫu nhiên, mà phản ánh hướng đi đúng đắn trong phát triển chế biến sâu sản phẩm - một chiến lược giúp Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô hoặc gia công đơn giản.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành chế biến, chế tạo không phải ngẫu nhiên,

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành chế biến, chế tạo không phải ngẫu nhiên,

Gia tăng giá trị nhờ chế biến sâu

Chế biến sâu không chỉ giúp cải thiện giá bán sản phẩm, mà còn nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường phát triển. Điển hình là ngành nông sản thực phẩm, thay vì chỉ xuất khẩu hạt cà phê thô, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ rang xay, đóng gói và xây dựng thương hiệu riêng để xuất khẩu chính ngạch sang EU, Mỹ, Nhật Bản. Các sản phẩm như hạt điều rang muối, tiêu xay đóng gói hay trái cây sấy lạnh cũng mở rộng thị trường và đem lại giá trị xuất khẩu cao hơn gấp 2-3 lần so với nguyên liệu thô...

Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm nhận định, chế biến sâu là bước chuyển tất yếu nếu Việt Nam muốn thoát khỏi "bẫy giá rẻ". Các thị trường lớn ngày càng yêu cầu sản phẩm chất lượng, có chứng chỉ an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc dễ dàng và nhãn hiệu rõ ràng. Nếu chỉ bán nguyên liệu thô, giá trị gia tăng "nằm ở tay người khác".

Ngoài nông sản, lĩnh vực gỗ và đồ nội thất cũng chứng kiến chuyển dịch mạnh mẽ từ gia công đơn giản sang thiết kế, sản xuất sản phẩm hoàn thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy tự động hóa, đạt tiêu chuẩn xanh để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Tương tự, ngành điện tử, cơ khí chính xác cũng hướng tới sản phẩm linh kiện chất lượng cao phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các thị trường lớn ngày càng yêu cầu sản phẩm chất lượng

Các thị trường lớn ngày càng yêu cầu sản phẩm chất lượng

Đà phát triển của ngành còn nhờ chính sách khuyến khích chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ và thu hút đầu tư công nghệ cao. Các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi số, cùng với việc phát triển hạ tầng logistics giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa.

Bà Trần Minh Anh, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu tại Long An chia sẻ, trước kia, chúng tôi bán thanh long tươi và chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi thị trường khó khăn, giá xuống thấp, chúng tôi đầu tư dây chuyền sấy lạnh, sản xuất nước ép đóng chai... Hiện nay, sản phẩm đã có đơn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng lớn, giá trị xuất khẩu cũng cao hơn nhiều.

Theo Bộ Công Thương, giá trị gia tăng nội địa trong ngành chế biến, chế tạo đã được cải thiện rõ rệt nhờ các dự án công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ nội địa hóa ở một số lĩnh vực điện tử đạt 35 - 40%, trong khi ngành dệt may, da giày cũng đang đẩy mạnh tự chủ nguyên phụ liệu và khép kín dần chu trình sản xuất...

Thu hút mạnh vốn đầu tư FDI chất lượng cao

Chính hướng đi chế biến sâu cũng tạo lợi thế lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 6 tháng đầu năm 2025, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu khi thu hút được 10,57 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chế biến chiến lược nhờ khả năng phát triển chuỗi giá trị khép kín và chính sách cởi mở.

"Chúng tôi chọn Việt Nam không chỉ vì lao động dồi dào mà vì tiềm năng phát triển sản phẩm chế biến sâu có thể cạnh tranh quốc tế. Việt Nam cũng có chính sách thu hút FDI minh bạch, ổn định...", ông Kim Huyn Ho, Tổng giám đốc công ty Kumho tại Bình Dương chia sẻ.

Vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu,

Vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu,

Ngoài lợi thế chi phí, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng lao động, phát triển công nghiệp hỗ trợ và cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) - yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo để duy trì đà tăng trưởng, ngành chế biến chế tạo cần tiếp tục đầu tư công nghệ, xanh hóa sản xuất và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Thành, chuyên gia kinh tế công nghiệp nhận xét, chế biến sâu chỉ thành công nếu đi kèm quản trị tốt, đổi mới sáng tạo và bền vững. Việt Nam cần tận dụng làn sóng đầu tư để nâng cấp năng lực sản xuất trong nước, tránh lệ thuộc vào gia công giá rẻ.

Với chiến lược chế biến sâu và cải thiện chuỗi giá trị nội địa, ngành chế biến, chế tạo Việt Nam đang khẳng định vị thế quan trọng không chỉ trong tăng trưởng kinh tế, mà còn trong việc thu hút FDI chất lượng cao, hướng tới phát triển công nghiệp hiện đại và bền vững.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-che-bien-che-tao-dong-luc-tang-truong-cua-toan-nen-kinh-te-167018.html