Ngành công nghiệp Đức đang dịch chuyển sang Mỹ?
Chính quyền Biden đang thu hút các công ty bằng các khoản trợ cấp lớn. Điều đó có ý nghĩa gì đối với Đức với tư cách là một địa điểm kinh doanh hàng đầu ở châu Âu, nếu các công ty của nước này đầu tư nhiều hơn vào Mỹ và xây dựng các địa điểm sản xuất mới ở đó?
Theo báo Deutsche Welle (Đức), các công ty Đức đều muốn đầu tư vào Mỹ. Theo Phòng Thương mại Đức - Mỹ, tính đến tháng 9/2022, có khoảng 5.600 công ty Đức đã đầu tư vào thị trường Mỹ với khối lượng gần 650 tỷ USD (605 tỷ euro). Trong khi các công ty lớn như Siemens, Volkswagen hay Linde không chỉ đang tìm cách củng cố năng lực ở Mỹ, mà còn xây dựng thêm cơ sở sản xuất mới.
Dirk Dohse, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Cạnh tranh Quốc tế và Đổi mới tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) cho biết: “Có nhiều lý do giải thích cho điều đó: Một là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị. Nhiều công ty Đức coi Mỹ là 'bến đỗ an toàn'. Các lý do khác là chi phí năng lượng tương đối thấp và các khoản trợ cấp rất hào phóng được cung cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA)".
IRA là một chương trình trợ cấp trị giá khoảng 430 tỷ USD do chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden khởi xướng, trong đó 370 tỷ USD được dành cho việc thúc đẩy các công nghệ tiết kiệm CO2, phần còn lại được dành cho chăm sóc sức khỏe.
Theo IRA, các công ty sẽ hưởng lợi với các khoản trợ cấp và tín dụng thuế nếu họ sử dụng các sản phẩm của Mỹ hoặc sản xuất các sản phẩm của chính họ tại Mỹ. Ví dụ, người mua một chiếc ô tô điện của Mỹ có pin cũng được sản xuất tại Mỹ sẽ nhận được khoản phí bảo hiểm khoảng 7.500 USD. Theo quan điểm của Washington, các sản phẩm chính từ các quốc gia mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như Mexico hoặc Canada, cũng được chấp nhận.
Các công ty đã phản ứng
Các kế hoạch trợ cấp của chính phủ Mỹ theo IRA đã dẫn đến sự đình trệ đối với các nhà máy sản xuất pin ô tô điện ở Đức hoặc có nguy cơ ngừng hoạt động hoàn toàn - chẳng hạn như Tesla ở Grünheide gần Berlin, hoặc công ty Northvolt của Thụy Điển đang lên kế hoạch để xây dựng nhà máy ở thành phố Heide, bang Schleswig-Holstein (Đức), nhưng bây giờ có lẽ họ sẽ chuyển hướng đầu tư vào Mỹ trước.
Vậy Đức có lo lắng về tình trạng của mình như là một địa điểm sản xuất? Chuyên gia Dohse cho biết: “Đúng là tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong tổng giá trị gia tăng ở Đức đã giảm kể từ năm 2016. Tuy nhiên, Đức vẫn ở mức cao và tôi không thấy quá trình phi công nghiệp hóa đang diễn ra trên khắp đất nước".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen, đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng các khoản trợ cấp của Washington có thể dẫn đến việc "bóp méo" sự cạnh tranh của các công ty châu Âu so với các đối thủ Mỹ của họ.
Hiện có thông báo rằng Brussels dự định chống lại IRA bằng chương trình xanh dành cho ngành công nghiệp của riêng họ, đồng thời cũng sẽ trao cho các quốc gia EU nhiều quyền tự do hơn trong việc cung cấp các khoản trợ cấp của riêng mình.
Nguy cơ rơi vào “vòng xoáy trợ cấp”
Các nhà kinh tế cho rằng một cuộc đối đầu như vậy sẽ là một động thái nguy hiểm. Chuyên gia Dohse nói: “Tôi nghĩ chúng ta không nên tham gia vào cuộc chạy đua trợ cấp. Cuối cùng, đây là tiền của người nộp thuế. Chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận về việc liệu điều này có mang lại lợi ích cho xã hội trong dài hạn hay không".
Theo ông Dohse, thật đáng thất vọng khi các công ty sáng tạo, chẳng hạn như những công ty hoạt động trong lĩnh vực "công nghệ xanh", vốn đã được nuôi dưỡng, duy trì và phát triển bằng tiền của người nộp thuế ở Đức hoặc châu Âu, sau đó bị các khoản trợ cấp lôi kéo đến Mỹ.
Về phần mình, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Đức (AmCham Đức) Simone Menne cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu (Đức) vẫn là một địa điểm quan trọng và hấp dẫn đối với nhiều công ty Mỹ, vì Đức có nhiều công nhân lành nghề được đào tạo bài bản, mạng lưới cơ sở hạ tầng dày đặc, các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật hàng đầu, chính trị ổn định cùng các yếu tố khác.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới cho thấy kết quả kém lạc quan hơn. Trong cuộc khảo sát của Business Barometer vào năm ngoái, 59% các công ty Mỹ ở Đức đánh giá vị trí của họ là "tốt hoặc rất tốt". Nhưng vào năm 2023, con số đó giảm xuống còn 34%.
Giá năng lượng cao là một rào cản
Những bất lợi mà các công ty Mỹ thấy ở Đức là chi phí lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thiếu công nhân lành nghề. Tuy nhiên, họ chỉ trích mạnh mẽ nhất về giá năng lượng cao, thậm chí so với các nước khác, và thậm chí trước cả khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Nhà kinh tế Dohse nói: "Nếu Đức đầu tư một cách khôn ngoan vào nghiên cứu, đào tạo và cơ sở hạ tầng, thay vì lãng phí tiền thuế của người dân vào các khoản trợ cấp, thì nước này sẽ vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai".