Ngành dệt may thiếu 'đại bàng' công nghiệp thời trang
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ngành cần những 'đại bàng' trong lĩnh vực công nghiệp thời trang để đạt được bước tiến dài hơn trong tương lai.
Yêu cầu cấp bách về chuyển đổi
Tại diễn đàn "Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025" ngày 7/1 tại Hà Nội, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, với vị thế thứ hai toàn cầu về quy mô, ngành dệt may không chỉ giữ vững thị trường mà còn có tiềm năng phát triển vượt bậc nếu giải quyết được các điểm nghẽn về tư duy, tích hợp dọc và định hướng chiến lược.
"Sản phẩm dệt may là "vĩnh viễn" với thị trường. Đây là ngành có tính cạnh tranh cao, với nhu cầu ổn định. Tuy nhiên, xu thế xanh hóa và tuần hoàn đang trở thành tiêu chí quan trọng trong đánh giá các quốc gia xuất khẩu dệt may.
"Dù vậy, thực tế cho thấy sản lượng tiêu thụ các sản phẩm xanh, tái chế vẫn chưa tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Thậm chí năm 2024, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng, quần áo xanh và từ các nguồn nguyên liệu tái chế còn thấp hơn năm 2023. Như vậy, giữa xu thế đi lên và thực tế của quá trình đi lên có sự khác biệt. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về chuyển đổi từ giảm thiểu tiêu thụ (Reduce), tái sử dụng (Reuse) trước khi tiến tới tái chế (Recycle)", Chủ tịch Vinatex nêu.
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu với tổng điểm 25/40 trên 8 tiêu chí, bao gồm chất lượng, tốc độ phát triển thị trường, trách nhiệm xã hội và rủi ro môi trường. Tuy nhiên, ông Trường chỉ ra rằng Việt Nam đạt điểm đều nhưng không có yếu tố nào vượt trội, đặc biệt về tích hợp chuỗi cung ứng. Đối thủ chính của Việt Nam trong trung và dài hạn là Bangladesh và Ấn Độ về giá, trong khi Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu về tích hợp chuỗi và quy mô.
Khi đánh giá một quốc gia xuất khẩu dệt may, có 8 tiêu chí chính cần phải xem xét, bao gồm: tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng sản phẩm, đơn giá, rủi ro về lao động, trách nhiệm xã hội, khả năng tích hợp chuỗi cung ứng và rủi ro môi trường, địa chính trị. Việt Nam hiện đang đứng cùng với Trung Quốc và Ấn Độ ở nhóm quốc gia có điểm số cao nhất trong 8 tiêu chí này.
"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có điểm mạnh đột phá như Trung Quốc, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng tích hợp và giá thành sản phẩm. Đây là một yếu tố khiến Việt Nam chưa thể vượt qua Trung Quốc về quy mô sản xuất, dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và cải tiến quy trình sản xuất", Chủ tịch Vinatex nói.
Cũng theo ông Trường, bản thân "đại bàng" không chỉ có ở những ngành công nghiệp cao như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử mà ngay trong ngành dệt may cũng cần.
"Chúng ta chưa bao giờ có ý tưởng đón đại bàng của lĩnh vực công nghiệp thời trang. Đây cũng là một điểm trong tư duy cần phải xác định có làm hay không?", ông Trường trăn trở.
Chiến lược phát triển trong giai đoạn mới
Để ngành dệt may thực sự chuyển mình và đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia, ông Trường cho rằng, các giải pháp tập trung vào tích hợp dọc nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 50% hiện nay lên mức cao hơn là điều bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với việc giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, đầu tư vào công nghệ xanh và chuyển đổi số. Việt Nam cần quy hoạch các khu công nghiệp chuyên biệt có quy mô đủ lớn, thay vì phân tán nhỏ lẻ, để tăng khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, vai trò của chính sách quốc gia trong việc thúc đẩy tài chính xanh, hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết. Ngành dệt may không còn chỉ là ngành thâm dụng lao động truyền thống mà đang chuyển sang hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Theo Chủ tịch Vinatex, dệt may Việt Nam, với 2,6 triệu lao động trực tiếp và tiềm năng tăng trưởng giá trị gia tăng 10% mỗi năm, cần sự đầu tư bài bản và chiến lược dài hạn. Trong giai đoạn tới, ngành này không chỉ là một phần của bức tranh kinh tế mà còn là minh chứng cho khả năng hiện đại hóa các ngành công nghiệp nhẹ truyền thống. Ngành dệt may không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà còn là biểu tượng của sự đổi mới trong tư duy và chiến lược, đưa Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ kinh tế toàn cầu.