Ngành Du lịch: Khi trách nhiệm của doanh nghiệp là điểm tựa cho sự phát triển bền vững

Trong thời điểm hiện tại, những biến động địa chính trị trên thế giới đang có những diễn biến khá phức tạp nhưng ngành du lịch Việt Nam trong quý I năm 2025 vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế quốc gia.

Không chỉ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, du lịch Việt đang chứng kiến làn sóng chuyển mình rõ rệt, khi những xu hướng mới như công nghệ AI, trải nghiệm cá nhân hóa và phát triển bền vững đang định hình lại cách vận hành và phát triển của ngành "công nghiệp không khói".

Việt Nam luôn là điểm đến được các du khách quốc tế lựa chọn

Việt Nam luôn là điểm đến được các du khách quốc tế lựa chọn

Nếu trước đây cá nhân hóa chỉ phổ biến ở phân khúc cao cấp, thì nay với sự hỗ trợ của công nghệ, xu hướng này đang trở nên phổ thông và dễ tiếp cận hơn. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam ngày càng linh hoạt trong việc thiết kế hành trình “may đo” theo từng đối tượng khách từ giới trẻ yêu thích khám phá, các cặp đôi cần sự riêng tư, đến những gia đình đa thế hệ có nhu cầu khác biệt.

Đó chính là kết quả để ngành du lịch Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục ghi nhận những dấu ấn tích cực và khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn tại châu Á.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong quý I/2025, Việt Nam đã đón khoảng 6 triệu lượt khách hàng quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024 và vượt qua kỷ lục năm 2019. Chính phủ đã đặt mục tiêu thu hút 23 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ trên 130 triệu lượt khách nội địa trong năm 2025 với tổng doanh thu ước đạt 1 triệu tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ, CEO một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước mỗi chuyến đi, khách hàng chỉ cần điền một bảng khảo sát gồm khoảng 10 câu hỏi đơn giản. Hệ thống AI của chúng tôi sẽ tự động gợi ý lịch trình, dịch vụ phù hợp nhất. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tạo ra cảm giác được thấu hiểu và đó là yếu tố mà khách du lịch hiện đại rất đề cao.

Tại một số điểm đến như Hội An, Đà Lạt hay Ninh Bình, các mô hình homestay, farmstay cũng áp dụng cá nhân hóa ở cấp độ cao hơn như cho khách tự chọn giờ ăn, loại hình hoạt động trải nghiệm, thậm chí là... playlist nhạc yêu thích mỗi sáng.

Những trải nghiệm tại Việt Nam luôn làm du khách hài lòng

Những trải nghiệm tại Việt Nam luôn làm du khách hài lòng

Trong thực tế, chỉ vài năm trước, việc ứng dụng AI trong du lịch vẫn còn là “tương lai gần”. Đến năm 2025, nhiều khách sạn, resort và khu du lịch lớn tại Việt Nam đã tích hợp công nghệ này một cách mượt mà trong vận hành. Tại một khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng, khách check-in bằng nhận diện khuôn mặt và có thể trò chuyện với chatbot đa ngôn ngữ 24/7 để được hướng dẫn về địa phương, đặt dịch vụ hoặc gọi đồ ăn về phòng.

Không chỉ doanh nghiệp, chính quyền một số địa phương cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ để quản lý điểm đến hiệu quả hơn. Thành phố Huế, chẳng hạn, đang triển khai thử nghiệm bản đồ du lịch thông minh tích hợp công nghệ AR/VR – cho phép du khách “trải nghiệm thử” một số di tích, làng nghề ngay trên điện thoại trước khi quyết định tham quan thực tế.

Ông Trần Đức Thịnh, Chuyên gia tư vấn công nghệ du lịch nhận định: “Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, những điểm đến nào tích hợp công nghệ sớm sẽ có lợi thế rất lớn trong việc thu hút thế hệ du khách trẻ, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha – những người sinh ra cùng smartphone và AI”.

Một trong những thay đổi rõ rệt nhất của du lịch Việt Nam năm 2025 là sự chuyển dịch từ “du lịch đại trà” sang “du lịch có trách nhiệm”. Không còn chỉ là khẩu hiệu, phát triển bền vững, giờ đây đã trở thành một yêu cầu thực tế đối với doanh nghiệp và điểm đến.

Tại Hà Giang, hàng loạt tour du lịch cộng đồng đang được tổ chức với sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương, giúp họ tăng thu nhập mà vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa. Ở Ninh Bình, nhiều homestay đã cam kết nói không với đồ nhựa dùng một lần, tận dụng năng lượng mặt trời và tái chế nước thải cho tưới cây.

Bà Lê Minh Thảo, Quản lý công ty lữ hành chuyên tour sinh thái chia sẻ, khách quốc tế giờ đây không chỉ muốn ngắm cảnh đẹp, mà còn quan tâm đến việc chuyến đi của họ có tạo ra tác động tiêu cực gì không. Một hành trình xanh, nhân văn và tử tế chính là điều khiến họ quay trở lại.

Không chỉ đáp ứng yêu cầu từ thị trường, hướng đi bền vững còn góp phần bảo vệ chính “tài sản” của ngành du lịch, đó là môi trường và văn hóa. Khi các bãi biển không còn rác, những làng nghề truyền thống được gìn giữ và người dân bản địa được hưởng lợi, du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển ổn định và lâu dài.

“Tài sản” của ngành du lịch đó chính là môi trường và văn hóa

“Tài sản” của ngành du lịch đó chính là môi trường và văn hóa

Năm 2025 không chỉ đánh dấu sự phục hồi của du lịch Việt Nam sau khủng hoảng, mà còn mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn của ứng dụng công nghệ, trải nghiệm và trách nhiệm được đặt lên hàng đầu. Những doanh nghiệp và địa phương nào nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, tích cực đổi mới, sẽ là những người đi đầu trong hành trình đưa du lịch Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-du-lich-khi-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-la-diem-tua-cho-su-phat-trien-ben-vung-162807.html