Ngành đường bộ đã 'dám nghĩ, dám làm' trong năm 2023
Cục Đường bộ Việt Nam cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, công tác phân cấp, phân quyền, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), chuẩn bị làm các bước tiếp theo khi có chỉ đạo của Chính phủ
Ngày 25/12, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên Cục Đường bộ thực hiện công tác quản lý đường bộ theo mô hình từ 3 cấp xuống còn 2 cấp mới (trước là Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Tuy nhiều khó khăn chung nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng quyết tìm các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, Cục đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, góp phần đáng kể vào thành tích chung của Ngành giao thông-vận tải.
31 triệu GPLX được đồng bộ trên VneID
Tiêu biểu, Cục Đường bộ đã phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an, rà soát dữ liệu giấy phép lái xe (GPLX) để đồng bộ trên ứng dụng VneID.
Khoảng 31 triệu dữ liệu bằng lái xe được xác thực trên VneID, còn khoảng 3,4 triệu bản làm bằng vật liệu PET chuyển sang C06 thực hiện đối soát, kết quả hơn 1,1 triệu dữ liệu trùng khớp.
Đối với trên 20 triệu bản ghi số giấy phép lái xe máy không thời hạn làm bằng vật liệu giấy bìa được cấp từ trước năm 1995 đến 1/1/2013 chưa được xác thực, do chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Đường bộ đã xây dựng quy trình xử lý thông tin hình ảnh giấy phép lái xe trên ứng dụng VneID gửi C06.
Nâng cấp phần mềm, camera trong sát hạch lái xe
Về công tác đào tạo lái xe, ông Thắng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ nghiên cứu nâng cấp phần mềm tiếp nhận hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình, trên đường; tự động phát hiện, cảnh báo trên hệ thống những trường hợp có dấu hiệu gian lận trong quá trình sát hạch.
Cục cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin để điều chỉnh, hoàn thiện phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông phù hợp với tình huống thực tế của các đối tượng tham gia học lái xe, để chuyển giao cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch.
Thêm vào đó, hoàn thiện nội dung quản lý dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên, quản lý đào tạo, quản lý giáo viên, quản lý xe tập lái, giám sát các kỳ sát hạch lái xe theo đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Cục Đường bộ cũng đã xử lý nhanh chóng, kịp thời toàn bộ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông ngay từ khi mới phát hiện, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông được phát hiện thông qua công tác theo dõi, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ và ý kiến của Ban an toàn giao thông, lực lượng công an các cấp.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu lực hiệu quả xử phạt trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, điển hình là triển khai các giải pháp hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, kiện toàn bộ máy và tổ chức thực hiện quản lý, vận hành hiệu quả các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78/QL.5.
'Dám nghĩ, dám làm', ứng dụng vật liệu mới trong bảo trì đường bộ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục Đường bộ Việt Nam đã đạt được trong năm 2023.
"Kết quả trong năm qua là sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục, lãnh đạo Cục đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2023, đặc biệt là đã có sự đổi mới về tư duy, "dám nghĩ, dám làm" thể hiện qua kết quả ở các mặt công tác của Cục", Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, công tác phân cấp, phân quyền, đặc biệt là hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), chuẩn bị làm các bước tiếp theo khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT.
Cục Đường bộ cần tập trung rà soát, ưu tiên xử lý các điểm đen phát sinh, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông góp phần giảm tai nạn giao thông trong quá trình khai thác. Trước mắt, trong dịp Lễ, Tết và mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, Cục Đường bộ cần tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên (sơn sửa, bổ sung biển báo, cọc tiêu, ...), kịp thời sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo giao thông êm thuận, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng thời, Cục Đường bộ cũng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng bảo trì và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào trong sửa chữa đường bộ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ quản lý bảo trì, khai thác hệ thống đường cao tốc nhằm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội do các tuyến đường cao tốc mang lại.
Đặc biêt, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ cần siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Nâng cấp hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tạo thuận lợi cho việc truy cập, phối hợp xử lý vi phạm.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giám sát, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, phấn đấu trong năm 2024 đạt tỷ lệ 20% trên tổng số giấy phép lái xe đổi được thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4).
Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Cục và triển khai ngay Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030"; đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT.