Ngành giấy trước việc thực thi EPR
Ngành giấy được coi là ngành đặc thù với lượng phát thải, tái chế rất cao, với tổng sản lượng hơn 6.000.000 tấn giấy tái chế hàng năm. Vậy nhưng khi thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ngoài những cơ hội, ngành này cũng đối diện không ít thách thức.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, ngành giấy là một trong những ngành sản xuất có tỷ lệ tái chế rất là cao. Hiện nay khoảng 75-80% lượng giấy sản xuất tại Việt Nam được làm từ các nguồn giấy thu hồi, với tổng sản lượng hơn 6.000.000 tấn giấy tái chế hàng năm. Trong đó, khoảng 50% là từ nguồn nhập khẩu và 50% còn lại từ nguồn giấy thu hồi trong nước. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành giấy trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - một chính sách môi trường, trong đó nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm của họ, từ khi sản xuất đến khi sản phẩm đó trở thành chất thải, bao gồm cả việc thu gom, tái chế và xử lý cuối cùng) mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) ngành giấy, đặc biệt là các DN tái chế giấy. Ông Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam) cho rằng, các DN cần tăng cường hoạt động thu gom, tái chế và tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu tái chế. Qua đó thúc đẩy đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến nhằm cải thiện công suất, năng suất góp phần tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao. “Trước đây DN hội viên của chúng tôi có công suất chỉ khoảng 5.000 - 10.000 tấn giấy/năm, nhưng hiện nay công suất thu gom tái chế của nhiều DN hội viên đã lên đến trên 100.000 tấn giấy/năm.
Về trách nhiệm tái chế, ông Nguyễn Thành Yên - Phó Trưởng phòng Pháp chế của Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện EPR, gồm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, trách nhiệm tái chế đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Như vậy, nếu trước kia các DN chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, thì giờ đây, họ phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong luật. Việc thực hiện EPR được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các DN, đặc biệt là các DN tái chế giấy.
Về những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để phát huy tối năng lực thực thi chính sách EPR, giới chuyên gia cho rằng, theo Nghị định 08, chi phí ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu nguyên liệu thu hồi về làm nguyên liệu sản xuất giấy được quy định như sau: nếu nhập khẩu dưới 100 tấn, mức ký quỹ là 15%; từ 100-500 tấn là 18%; trên 500 tấn là 20%. Theo nhiều DN đây là tỷ lệ ký quỹ quá cao, sẽ gây áp lực tài chính lớn cho DN. Bên cạnh đó hệ thống thu gom nội địa còn chưa chuyên nghiệp và manh mún, thiếu chính sách hỗ trợ cho người thu gom. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng nguyên liệu tái chế trong nước.
Đồng quan điểm, ông Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam) đề xuất, giảm mức ký quỹ bảo vệ môi trường. Thay vì mức ký quỹ 15-18-20%, thì đề xuất giảm xuống 5% đối với DN không vi phạm. Nếu DN nào vi phạm, có thể áp dụng các chế tài nặng hơn như thu hồi giấy phép hoặc cấm nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần có sự linh hoạt cho DN với tỷ lệ cộng trừ khoảng 20% hạn mức nhập khẩu phế liệu sản xuất trong một năm, giúp DN chủ động hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu khi giá cả thuận lợi. Có chính sách hỗ trợ người thu gom nhỏ lẻ. Cụ thể, cho phép DN nộp thuế thay cho người thu mua và người bán nhỏ lẻ giấy phế liệu, cụ thể là 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập DN. Khoản tiền thuế này sẽ được DN nộp thay và tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập DN.
Đối với trách nhiệm phía DN, ông Hiếu cho rằng, các DN ngành giấy cần phải tối ưu hóa quá trình sản xuất và cần tự rà soát để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. DN nên tham gia vào các liên minh EPR trong các lĩnh vực rộng hoặc trong ngành và trong ngành giấy là có EPR trong ngành giấy. Đồng thời, cần xây dựng được hệ thống thu gom, phân loại và tái chế một cách hiệu quả hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-giay-truoc-viec-thuc-thi-epr-10309891.html