Ngành gỗ chủ động thích ứng với thuế quan của Mỹ
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động, đặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế quan từ thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam – Hoa Kỳ, ngành gỗ nước ta đã và đang tiếp tục tập trung vào những giải pháp mang tính chủ động, linh hoạt.
Một trong những giải pháp then chốt mà ngành gỗ Việt Nam đang tập trung thực hiện là tăng cường tính chủ động với nguồn cung nguyên liệu. Thay vì phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, đặc biệt là các loại gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Theo đó, cuối năm 2024, diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC đã đạt hơn 400.000ha và mục tiêu hướng tới của ngành là 1 triệu ha vào năm 2030. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro liên quan đến nguồn gốc gỗ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ và các thị trường khác, mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ. Thay vì xuất khẩu các sản phẩm thô hoặc sơ chế, các công ty đang tập trung vào sản xuất đồ nội thất, ván sàn, gỗ ghép thanh và các sản phẩm có thiết kế tinh xảo, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng Mỹ. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giảm thiểu tác động của thuế quan tính trên giá trị sản phẩm.
Nhận thức rõ sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất có thể mang lại rủi ro lớn, ngành gỗ Việt Nam đang tích cực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh Hoa Kỳ, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia và các nước ASEAN.
Hơn nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam tiếp cận các thị trường này với thuế suất ưu đãi. Các doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về môi trường của từng thị trường để tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại.

Ngành gỗ Việt Nam đang chủ động thích ứng với thuế quan của Mỹ
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên quản lý chương trình, chính sách công và môi trường tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết: Trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ có nhiều biến động, ngành gỗ Việt Nam vừa đối diện với thách thức, vừa có những cơ hội nhất định. Theo ông Du, việc Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế cho Việt Nam. Tuy nhiên, cán cân thương mại xuất siêu của ngành gỗ Việt Nam sang Mỹ (gần 9 tỷ USD năm 2024) có thể tạo ra những rủi ro về chính sách trong tương lai.
TS. Huỳnh Thế Du khuyến nghị: “Chúng ta có thể nghĩ cách để đầu tư vào Mỹ. Đương nhiên muốn làm điều này chúng ta cần phải tìm hiểu chính sách của Mỹ rất kỹ. Chúng ta làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của Mỹ, các doanh nghiệp của Việt Nam là chúng ta tìm cách hợp tác với doanh nghiệp Mỹ…”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: Việt Nam vẫn là một thị trường quan trọng đối với Mỹ. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ về nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ, thì khả năng bị áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại là không cao. Tuy nhiên, ông cảnh báo về nguy cơ gian lận thương mại thông qua việc các nước thứ ba lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh thuế.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp bây giờ chúng ta cần phải có nội lực, nếu như nội lực chúng ta không đủ mạnh thì chúng ta không thể bước qua được những vấn đề sắp tới, yếu tố ngoại lực thì cần phải có sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương. Tôi muốn là Bộ Công thương chúng tôi trong vấn đề xác nhận, bởi vì cái này nó quan trọng hơn bất cứ cái gì và chính cái xe ô này là cái để người ta gian lận thương mại”.
Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp gỗ đạt chứng chỉ FSC-CoC (chứng nhận nguồn gốc gỗ bền vững) đã giúp giảm thiểu rủi ro từ các quy định khắt khe của Mỹ và EU, mở rộng cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ông Lê Thanh Pháp, Đại điện Hiệp hội gỗ Đồng Nai đề nghị các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa về mặt cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, cũng như những cảnh báo về nguồn gốc gỗ nguyên liệu phục vụ cho các thị trường mục tiêu xuất khẩu. Có như vậy, các doanh nghiệp gỗ sẽ có được nhiều sự chuẩn bị tốt hơn, ứng phó kịp thời hơn với những thay đổi của chính sách thuế từ các nước nhập khẩu.
“Đề nghị là phải có những cách thức để giải quyết cho doanh nghiệp thủ tục xuất xứ, chứng minh nguồn gốc cho nhanh. Cục phòng vệ thương mại cũng nên có cảnh báo trước cho doanh nghiệp những rủi ro về nguồn gốc, nguyên liệu, liên quan đến vấn đề nguyên liệu nhập khẩu…”- ông Lê Thanh Pháp nói.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước, ngành gỗ Việt Nam đã và đang chứng minh được khả năng thích ứng mạnh mẽ. Sự chủ động trong nguồn cung nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính minh bạch đang giúp ngành gỗ từng bước giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ và các biến động thương mại khác.
Với những nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các hiệp hội và Chính phủ, ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu trên thế giới, không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn vươn ra nhiều thị trường tiềm năng khác.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nganh-go-chu-dong-thich-ung-voi-thue-quan-cua-my-post1194777.vov