Ngành gỗ gặp khó, doanh nghiệp liên kết để quảng bá sản phẩm

Từ ngày 9/8- 12/8 tới đây, tại Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra 'Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ Quốc tế Bình Dương 2023 - Bifa Wood Việt Nam 2023'. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận công nghệ mới, tạo ra chuỗi liên kết trong điều kiện khó khăn xuất khẩu hiện nay.

Triển lãm dự kiến thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước với 700 gian hàng. Tại đây sẽ trưng bày giới thiệu sản phẩm, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến với ba nhóm ngành hàng chính. Đó là, máy móc, thiết bị công nghiệp về chế biến gỗ của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Italy, Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Đài Loan. Thứ hai là phụ kiện, phụ liệu về ngành gỗ, chế biến gỗ, nguyên liệu gỗ nhập khẩu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nhập khẩu nguyên liệu gỗ trong nước và các doanh nghiệp đến từ châu Mỹ, châu Âu.

Hội chợ năm nay dự kiến có hơn 700 gian hàng về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu, chế biến gỗ. (Ảnh minh họa: Bifa wood Viet Nam 2022)

Hội chợ năm nay dự kiến có hơn 700 gian hàng về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu, chế biến gỗ. (Ảnh minh họa: Bifa wood Viet Nam 2022)

Bên cạnh đó là giới thiệu dân chuyền sản xuất, gia công, chế biến gỗ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hội chợ ngành gỗ Việt Nam, ngành gỗ hiện còn gặp nhiều khó khăn, chi phí lao động đối với doanh nghiệp của ngành gỗ còn cao, tiêu hao chi phí nguyên vật liệu lớn, chưa phát huy được vai trò, năng lực của nguyêt liệu do trình độ công nghệ, kĩ thuật ở Việt Nam còn ở mức thấp, phổ biến là thiết bị công nghệ 2D.

Doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm các máy móc thiết bị tinh gọn và hiệu quả. (Ảnh minh họa: Bifa wood Viet Nam 2022).

Doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm các máy móc thiết bị tinh gọn và hiệu quả. (Ảnh minh họa: Bifa wood Viet Nam 2022).

Bifa Wood Việt Nam 2023 sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nguồn nguyên liệu đa dạng và hợp pháp. Song song đó, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, hợp tác kinh doanh, tiến đến tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện; cung cấp máy móc, công nghệ, đến các nhà sản xuất, thương mại. Từ đó, đem đến cơ hội để các doanh nghiệp liên kết phát triển bền vững ngay tại thị trường nội địa.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), trong quý 1, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nganh-go-gap-kho-doanh-nghiep-lien-ket-de-quang-ba-san-pham-post1028390.vov