Ngành Hàng hải tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư để vươn xa
Giai đoạn 2015 - 2022, lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam phát triển mạnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để duy trì tốc độ tăng trưởng, giai đoạn tới, đơn vị chủ lực là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu các cảng biển nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Lượng hàng container qua cảng biển tăng mạnh
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt giai đoạn 2015 - 2022. Cụ thể, trong giai đoạn này, sản lượng hàng hóa container qua cảng biển đã tăng trưởng gần gấp đôi, bình quân 8,4%. Trong đó, riêng hàng container mức tăng trưởng bình quân đạt 11,9%.
Năm 2015, lượng hàng container qua cảng đạt khoảng 126,3 triệu tấn (11,5 triệu Teu). Tới năm 2022, con số này đã đạt hơn 243 triệu tấn (khoảng 25 triệu Teu), tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn gấp 2 lần so với 7 năm về trước. Trong quý I/2023, sản lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 165 triệu tấn. Riêng hàng container có sản lượng gần 53 triệu tấn (khoảng 5,1 triệu Teu), đạt khoảng 20% kế hoạch của năm 2023.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm của hàng hóa qua cảng đang chậm lại trong khoảng 2 năm gần đây. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự phục hồi trở lại. Ngoài ra, chính sách Zero Covid của Trung Quốc - thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, cũng gây ảnh hưởng ít nhiều.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng hải dự báo tới năm 2030 nhu cầu hàng hóa qua cảng biển Việt Nam, đạt tổng 1.422,5 triệu tấn. Trong đó, hàng container đạt 559 triệu tấn (tương đương 46,58 triệu Teu). Tới năm 2050, tổng lượng hàng qua cảng biển đạt 3.353,9 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 1.663,5 triệu tấn (tương đương 138,63 triệu Teu).
Tăng cường đầu tư, xúc tiến hợp tác phát triển cảng biển
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên, giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vẫn tiếp tục tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư nâng cấp hàng loạt cảng biển trải dài trên 3 vùng miền của nước ta và đầu tư chiều sâu các cảng biển nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Theo ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, khu vực Hải Phòng, VIMC đầu tư dự án xây dựng bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo. Khu vực miền Trung, Cảng Đà Nẵng được đầu tư chiều sâu, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa; đề xuất đầu tư 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu...
Cảng Quy Nhơn đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1; dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 (giai đoạn 1, khu đất 3,8 ha) và các hạ tầng cảng cạn (ICD), kho bãi kết nối. Khu vực TP. Hồ Chí Minh, tổng công ty sẽ đầu tư hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2...
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng giám đốc VIMC, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối cảng biển VIMC tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt do các cảng mới liên tục ra đời kéo theo tình trạng dư cung. Vì vậy, mặc dù sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng của một số cảng còn thấp hơn mức tăng trưởng của khu vực.
Để thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ tại các đơn vị cảng biển, VIMC đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh đoan, hướng đến xây dựng hệ thống cảng thông minh, hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, VIMC cũng tăng cường xúc tiến hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm của thế giới để đầu tư vào lĩnh vực cảng biển của VIMC. Ngày 24/5, Tổng giám đốc Tập đoàn Adani Karan Adani (Ấn Độ) đã có buổi gặp mặt, trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển cảng và logistics với VIMC.
Tại buổi làm việc, theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, các doanh nghiệp của Ấn Độ như Tập đoàn Adani luôn được VIMC xác định là đối tác chiến lược quan trọng trên hành trình phát triển đội tàu biển, đội tàu container vùng Nội Á và thế giới, trong đó có cả thị trường Ấn Độ để phát triển chuỗi kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam.
Cùng ngày, tại buổi tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn Adani Karan Adani, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn chào đón và hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Adani nhờ có lợi thế chiều dài bờ biển, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có hệ thống cảng trung chuyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Bộ GTVT mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia với tư cách là nhà đầu tư cảng biển..
Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Adani nghiên cứu đầu tư tại cảng Liên Chiểu nói riêng, tại các cảng khác một tổ hợp gồm hai hợp phần đó là cơ sở hạ tầng khai thác cảng và khu công nghiệp hậu cần sau cảng phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để phát huy hiệu quả đồng bộ./.