Ngành hóa chất: Hướng tới vai trò ngành công nghiệp nền tảng
Luật Hóa chất (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đóng vai trò quan trọng xây dựng một ngành công nghiệp mang tính nền tảng quốc gia.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trình tại kỳ họp gồm 8 chương, 50 điều quy định về nguyên tắc, chính sách trong phát triển công nghiệp hóa chất, hoạt động hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; an toàn, an ninh hoạt động hóa chất và trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất cũng như quản lý nhà nước về hóa chất và cung cấp thông tin trong lĩnh vực hóa chất.
Trong phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh và đề cập rõ các nhóm vấn đề chính được đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm; hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất và điều kiện tư vấn; xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; điều khoản hợp tác quốc tế; một số nội dung giao Chính phủ quy định; về thủ tục hành chính.
Bộ trưởng khẳng định: “Với tinh thần cầu thị, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức liên quan. Sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết tiếp tục cùng cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này”.
Ngành hóa chất được xác định là một trong những ngành công nghiệp nền tảng của quốc gia theo Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngành hóa chất được xác định là ngành công nghiệp nền tảng của đất nước. Ảnh minh họa
Bởi vậy, việc Luật Hóa chất (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua đóng vai trò quan trọng thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW để ngành hóa chất Việt Nam bảo đảm vai trò của mình. Đồng thời, đóng góp tích cực cho nền kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm tính bền vững trong bảo đảm môi trường.
Tăng tốc đi đôi với bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững
Những năm qua, ngành hóa chất Việt Nam đã đi từ sản xuất thô sơ đến hội nhập toàn cầu với những bước tiến đáng ghi nhận. Quy mô tăng trưởng của ngành khá ấn tượng như đóng góp 10% GDP công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hóa chất đạt 12 tỷ USD/năm (số liệu năm 2024), trong đó phân bón, nhựa, cao su là những mặt hàng chủ lực. Nhiều sản phẩm và thương hiệu hóa chất Việt Nam đã khẳng định được vai trò không chỉ ở thị trường trong nước còn vươn tới thị trường quốc tế.
Ngành hóa chất cũng là ngành chủ động ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp chuyển dịch sang “hóa chất xanh”, đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn GHS, REACH của EU. Đây cũng là ngành thể hiện được tính hội nhập sâu rộng trong việc mở rộng thị trường đi đôi với tuân thủ các quy định khắt khe về an toàn hóa chất.
Tuy nhiên, do là ngành công nghiệp mang nhiều tính đặc thù nên nhiều áp lực đặt ra cho phát triển ngành hóa chất. Một trong những “bài toán" mang tính áp lực là vấn đề hiệu quả, hiệu lực các quy định về kiểm soát hóa chất để bảo đảm môi trường, bảo đảm an toàn xã hội. Dù Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã siết chặt, nhưng việc thực thi tại các địa phương vẫn chưa nghiêm.
Một áp lực khác cho phát triển ngành hóa chất là sự chồng chéo pháp lý. Hiện nay, quản lý hóa chất bị "phân mảnh" giữa Luật Hóa chất (2007), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật An toàn Lao động (2015) dẫn đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Một áp lực nữa đến từ chính quá trình hội nhập. Các hiệp định thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe về hóa chất mang tính hạn chế, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Ở đây, nếu không chủ động để kịp thích ứng, ngành hóa chất Việt Nam có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Pháp luật cần đi trước
Bối cảnh đó cho thấy cần một tư duy pháp lý đột phá cho phát triển ngành hóa chất hướng tới việc phát triển bền vững, theo hướng luật pháp phải đi trước một bước, chứ không phải chạy theo sự cố.
Việc dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa XV) là nỗ lực rõ nét cho điều này, góp phần hoàn thiện khung pháp lý để có thể tích hợp đầy đủ các quy định cần thiết.
Song, khung pháp lý để ngành hóa chất phát triển và hội nhập bền vững đã quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là tăng cường giám sát thực thi, ứng dụng công nghệ hiện đại để truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất thải theo thời gian thực.
Một số chuyên gia nhìn nhận, một nền công nghiệp hóa chất phát triển thực sự không chỉ đo bằng doanh thu tỷ USD, mà bằng cách nó đóng góp cho xã hội và bảo vệ môi trường. Đích đến của ngành hóa chất Việt Nam là cần chuyển mình thành một ngành công nghiệp “sạch, thông minh và có trách nhiệm”.
Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, hệ sinh thái và cả uy tín quốc gia. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là sự chủ động và trách nhiệm của chính các doanh nghiệp hóa chất.