ĐBQH Phan Đức Hiếu: Cải cách thể chế là… dễ nhất!
ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng tinh thần của Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân là thay đổi toàn diện, từ việc quản lý bằng mọi giá, tốn kém nhiều chi phí cho xã hội chuyển sang quản lý một cách hiệu quả nhất.
Nghị quyết 68 - bước đột phá thứ 3 với kinh tế tư nhân
Trước thềm đổi mới 1986, một loạt thông điệp như "cởi trói", "đổi mới hay là chết" đã quy tụ được sức mạnh toàn dân, giải phóng sức sản xuất, để tất cả các thành phần kinh tế đều được "bung ra" đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, để hiện nay Việt Nam đã có được những bước tiến rất đáng tự hào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được cộng đồng doanh nghiệp (DN) hồ hởi đón nhận.
Tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 9.5, ĐBQH, TS Phan Đức Hiếu cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 68 rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.
Điểm qua quá trình kinh tế tư nhân, ông Hiếu cho hay có 2 mốc đáng chú ý. Mốc thứ nhất là vào giai đoạn 1988-1990, chuyển từ quan điểm kinh tế tư nhân là thành phần cải tạo, không được thừa nhận, chuyển sang là được thừa nhận, được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định khi Nhà nước cho phép.
“Đây là một sự thay đổi, là một bước ngoặt đầu tiên đối với khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, DN tư nhân trong giai đoạn này vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hiếu nói.

Đại biểu quốc hội, TS Phan Đức Hiếu - Ảnh: VGP
Mốc thứ hai là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999-2000. Từ việc kinh tế tư nhân được làm trong một số lĩnh vực hạn chế, được Nhà nước cho phép chuyển sang tư duy tư nhân được kinh doanh trong những ngành nghề mà Nhà nước không cấm. Đây là một bước thay đổi đột phá về quyền kinh doanh của kinh tế khu vực tư nhân và kèm theo đó là sự thay đổi về thể chế rất mạnh mẽ.
“Trước năm 2000, chúng ta có thể mất đến vài năm với điều kiện rất ngặt nghèo để thành lập công ty, thì sau này việc thành lập công ty rất dễ dàng, có thể tính bằng ngày, bằng giờ”, ông Hiếu nêu và cho hay nếu triển khai tốt Nghị quyết 68 thì đây có thể là bước đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Phân tích sâu hơn về lần đột phá thứ 3 này, TS Phan Đức Hiếu cho rằng Nghị quyết 68 tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường thông qua việc xóa bỏ các rào cản hành chính, giảm 30% thủ tục quy định chi phí tuân thủ; tăng mức độ bảo vệ khi không hình sự hóa quan hệ kinh tế; giúp khu vực tư nhân tiếp cận nguồn lực với đất đai, nguồn lực về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, nhân sự…
Cải cách thể chế là… dễ nhất
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng để phát triển kinh tế tư nhân thì gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế. Nếu thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của người dân và DN thì đây là một biện pháp cải cách rẻ nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất.
TS Phan Đức Hiếu cho rằng cải cách thể chế là “dễ nhất”. Nhà nước làm ra thể chế thì Nhà nước tiến hành cải cách. “Không phải có những hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực thì mới tạo ra sự đột phá, mà chỉ khi cải cách mạnh mẽ về thể chế mới tạo ra được đột phá”, ông Hiếu nhận định.
Ông Hiếu dẫn ví dụ từ quá khứ rằng, chỉ 5 năm thi hành Luật Doanh nghiệp (2000 - 2005), số lượng DN thành lập mới trong giai đoạn này chiếm 80% tổng số DN được thành lập trong 15 năm. Điều đó góp phần rất lớn trong việc tạo lập được lực lượng DN như ngày hôm nay.
Vị chuyên gia cũng nêu thêm, về tinh thần của các nhóm giải pháp về cải cách thể chế, có 3 điểm nổi bật.
Thứ nhất là việc chỉ đạo “bãi bỏ”, “cắt giảm” (chứ không chỉ là “sửa đổi”). “Một quy định không tốt thì không phải là chúng ta sửa để cho nó tốt hơn một chút mà quy định đấy không tốt thì bãi bỏ. Nếu như luật nào, nghị định nào không còn cần thiết thì phải bãi bỏ cả đạo luật, cả nghị định. Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước”, ông Hiếu nói.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào Nghị quyết 68
Tinh thần thứ hai, là câu chuyện thực thi pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm của DN dùng những biện pháp phù hợp với tính chất của vụ việc kinh tế. Xử lý vụ việc mang tính chất kinh tế, hành chính thì phải tách bạch với hình sự.
“Có những vụ việc, khi xử lý một cá nhân, vô hình chung chúng ta đánh đồng với cả DN và dẫn đến việc không phân biệt được đâu là tài sản cá nhân, đâu là tài sản của DN. Điều này dẫn đến xử lý một cá nhân làm ảnh hưởng đến cả hoạt động của DN, mà DN đâu có lỗi, thậm chí nhiều khi DN là do một cá nhân lợi dụng hình ảnh của DN”, ông Hiếu nói.
Về tinh thần thứ ba trong cải cách thể chế, ông Hiếu chia sẻ rằng đó là việc sử dụng những công cụ phù hợp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
“Không phải ngồi ở bàn giấy cấp ra một giấy phép, chứng nhận một sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vấn đề là phải giám sát sản phẩm được bán ra thị trường. Vậy thay vì chúng ta ngồi bàn giấy cấp giấy phép thì tại sao không dành thời gian đi giám sát và kiểm soát thực sự chất lượng của sản phẩm?”, ông Hiếu nêu và cho rằng “đừng có đưa ra lý do là cứ bãi bỏ quy định là mất công cụ quản lý”.
Ông Hiếu nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu tinh thần của Nghị quyết 68 là thay đổi toàn diện. Trước đây quản lý bằng mọi giá, tức là đưa ra một cái công cụ quản lý, thậm chí tốn kém nhiều chi phí cho cả xã hội, cho người dân thì bây giờ phải quản lý bằng một cách hiệu quả nhất, không phải quản lý bằng mọi giá”.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dbqh-phan-duc-hieu-cai-cach-the-che-la-de-nhat-232423.html