Cần làm gì để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68?

Chiều 9/5/2025, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay'.

Chương trình có sự tham dự của: Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế; bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính; ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB.

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân và Chính phủ, Quốc hội đang quyết liệt triển khai thể chế hóa để đưa nghị quyết sớm vào cuộc sống với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, đóng vai trò là một động lực quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước.

Phát biểu khai mạc, điều phối viên tọa đàm - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: Việt Nam đã đi qua ba thời kỳ đổi mới sâu rộng về tư duy đối với khu vực kinh tế tư nhân. Từ "cởi trói" vào cuối thập niên 1980, đến việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 mở rộng quyền tự do kinh doanh và nay là Nghị quyết 68 – một cuộc cách mạng về thể chế với tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển mạnh mẽ.

Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay". Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay". Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này có thể là bước ngoặt, đột phá thứ 3 trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Trước đó, đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, chia sẻ: "Nghị quyết 68 là điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi từ lâu". Là tổ chức phục vụ hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, ACB hiểu rõ những rào cản đang cản trở sự phát triển, như khó khăn về tiếp cận vốn, thiếu bình đẳng trong cơ hội kinh doanh và sự phân biệt trong chính sách giữa các khu vực kinh tế.

Là doanh nghiệp thiên về tài chính, ACB nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình - hậu phương về tài chính. Tổng Giám đốc ACB đánh giá rất cao và nhìn nhận đây là một bước đổi mới rất lớn của Việt Nam.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định: Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào các điểm nghẽn thể chế, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh phức tạp, phân biệt đối xử và rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết đặt yêu cầu rất cụ thể, phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; chấm dứt tình trạng các bộ, ngành tự ý đặt thêm điều kiện.

Bà Thủy nhấn mạnh, lần đầu tiên trong một nghị quyết cấp Trung ương, khu vực kinh tế tư nhân được nhìn nhận một cách bình đẳng, chính thức và có chiều sâu như vậy. Niềm tin này là cơ sở quan trọng để tạo động lực phát triển.

Theo ông Phan Đức Hiếu, để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh, cải cách thể chế là chìa khóa gốc rễ, không đòi hỏi chi phí lớn nhưng mang lại hiệu quả đột phá. Cải cách thể chế là biện pháp cải cách “rẻ nhất”, “dễ nhất” đối với Nhà nước nhưng mang lại hiệu quả lớn nhất đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.

Ông khẳng định, tinh thần cải cách thể chế lần này không còn là “đơn giản hóa” hay “sửa đổi” mà là “bãi bỏ triệt để” những quy định lỗi thời. Cùng với đó là đổi mới tư duy quản lý nhà nước, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ; từ tiền kiểm sang hậu kiểm; từ can thiệp sang khuyến khích.

Theo đó, việc thể chế hóa Nghị quyết 68 không thể quá kéo dài thời gian, cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ. Việc thể chế hóa nghị quyết phải thật rõ ràng, cụ thể. Nhấn mạnh tinh thần này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất, bên cạnh các nội dung về giảm thuế môn bài, miễn thuế, hay những ưu đãi đã rõ ràng, trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội sắp tới cần có 1 phụ lục cụ thể về cắt giảm, bãi bỏ 30% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đơn cử, trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay do các bộ ngành quản lý, có gần 200 ngành nghề. Thực hiện tinh thần nghị quyết, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thì qua đó sẽ giảm thiểu ngay các "giấy phép con" không còn cần thiết nữa. Việc này cần triển khai ngay.

Ông Từ Tiến Phát kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần quy định cụ thể các nội dung về thành lập doanh nghiệp, hậu kiểm, tháo gỡ rào cản liến quan đến thuế, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp.

Để duy trì tính bền vững và minh bạch của cải cách, ông Hiếu đề xuất thành lập cơ quan cải cách thể chế độc lập, có thẩm quyền kiểm định chất lượng và đề xuất sửa đổi luật, tương tự mô hình của Hàn Quốc. Ông nhấn mạnh, chỉ khi chúng ta kiểm soát chặt từ khâu đề xuất chính sách thì mới tránh được tình trạng thủ tục quay lại sau một thời gian bị bãi bỏ".

Các ý kiến tại tọa đàm đều khẳng định, với khung thể chế đang được khẩn trương hoàn thiện, cùng với sự đồng hành của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp có cơ sở để tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành đội ngũ doanh nghiệp tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-lam-gi-de-kinh-te-tu-nhan-but-pha-theo-nghi-quyet-68-post1198326.vov