Ngành logistics tại TP Thủ Đức còn nhiều rào cản
Nhiều ý kiến cho rằng, rào cản về hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, giao thông, chính sách... khiến ngành logistics tại TP Thủ Đức, TP.HCM chưa bứt phá.
Ngày 9-6, UBND TP Thủ Đức phối hợp với Sở Công thương TP.HCM và Hiệp hội Logistics TP.HCM đã tổ chức tọa đàm quy hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP Thủ Đức.
Hạ tầng xuống cấp
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ vận tải, kho bãi.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, tại TP Thủ Đức sẽ có bốn trung tâm logistics gồm: trung tâm Logistics Long Bình với quy mô 50 ha; trung tâm Logistics Cát Lái, quy mô 200 - 292 ha; trung tâm Logistics Linh Trung, quy mô 60 - 74 ha; trung tâm Logistics Khu Công Nghệ Cao, quy mô 5 - 6 ha.
TP Thủ Đức xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Hiện nay, ngành logistics tại TP Thủ Đức vẫn còn nhiều hạn chế về hệ thống đường giao thông quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh đó, công tác lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển các trung tâm logistics vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của ngành.
Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng cho rằng cần quan tâm đến hạ tầng đường bộ tại TP Thủ Đức. Theo ông, hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp; trong khi đó giao thông bằng đường bộ vẫn là phương thức hoạt động chính.
Cùng đó, các phương thức vận tải khác chưa được phát triển, các dự án đường cao tốc đường vành đai 3, 4 còn đang chậm tiến độ; chưa có quy hoạch phát triển đa phương thức giữa đường thủy, đường bộ và đường sắt để tăng tính linh hoạt cho các hoạt động vận tải xuất nhập khẩu, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Quy hoạch các KCN sản xuất còn chồng chéo với khu dân cư gây tình trạng mất an toàn cho người dân, vẫn còn nhiều dự án quy hoạch bất động sản treo…
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức, cũng đồng ý điểm yếu lớn nhất của ngành logictics Thủ Đức là hệ thống kết nối đường bộ với cảng không đồng bộ.
Ông Trần Việt Anh thông tin, hiện mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải ra vào cảng, trung bình mỗi xe tải phải dừng chờ 2-3 giờ, kéo dài đến hàng trăm cây số. Đây là thế kẹt về hạ tầng, khó có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Đề xuất quy hoạch phát triển logistics
Góp ý về các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành logistics tại Thủ Đức, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng, cho rằng cần tăng năng lực đón tàu, phát triển vận tải đa phương thức kết nối cảng; phát triển kết nối đa phương thức cả đường thủy, đường bộ, đường sắt.
Song song đó, phải đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng như nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 2, vành đai 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống... để đáp ứng được kịp thời nhu cầu phát triển.
Ông Trịnh Quang Tuấn, Phó phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần cảng Sài Gòn nhìn nhận, dù có lợi thế về cảng, nguồn đất đai rộng lớn nhưng việc phát triển tại khu vực Thủ Đức còn gặp một số vấn đề do hạn chế về hạ tầng giao thông.
Theo ông, cần phân tuyến giao thông rõ ràng, nên tách biệt giao thông hàng hóa ra, vào cảng Cát Lái với các tuyến đường di chuyển cho người dân tại những khu vực đông dân.
Nhiều ý kiến khác tại tọa đàm cũng đề xuất cần có làn đường riêng dành cho xe container lưu thông, vừa tránh ách tắc vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khác.
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh đề xuất thêm, ở những trạm thu phí nên thực hiện thu phí không dừng để rút ngắn thời gian chờ đợi của tài xế. Ngoài ra, nên đặt những trạm cân ở vị trí trạm thu phí đường bộ, đảm bảo vấn đề phương tiện không chở quá tải, việc này cũng đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sông miền Nam, TP Thủ Đức thì cho rằng cần có thêm khu vực hậu cần của cảng, mở rộng thêm các hệ thống depot, những hệ thống bãi xe. Đặc biệt, cần thay đổi về chính sách để cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức, nhận thấy tình hình phát triển logistics tại Thủ Đức còn manh mún. Theo ông, cần phải tập trung vào một điểm nhấn là khu cảng Cát Lái, xây dựng hệ thống tiện ích, có chỗ nghỉ ngơi cho các hãng tàu trong và ngoài nước khi cập bến tại cảng này.
Ông cũng cho rằng, cần thiết phải loại bỏ một số quy trình trên giấy, xây dựng hệ thống giám sát phân tích dữ liệu, thay đổi phương thức quản lý sao cho khoa học, hiệu quả, nhanh chóng.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp tại TP Thủ Đức cũng mạnh dạn nêu ý tưởng, lãnh đạo TP Thủ Đức cần làm việc với TP và Trung ương về phương án đầu tư, xây dựng con đường trên cao cho cảng Cát Lái, nhằm giải quyết hiện trạng giao thông hiện nay.
Cảng Cát Lái nằm trong top 30 cảng lớn nhất thế giới
về sản lượng
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng thông tin, Cảng Cát Lái hiện là cảng container hiện đại, lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, cảng Cát Lái hiện đang là một trong các cảng feeder lớn nhất thế giới, nằm trong top 30 cảng lớn nhất thế giới về sản lượng thông qua, chiếm gần 90% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng biển TP.HCM.
Cảng Cát Lái có đóng góp quan trọng vào việc tăng thu ngân sách cho nhà nước thông qua hoạt động xuất nhập khẩu ở cảng. Trung bình hàng năm, thu thuế xuất nhập khẩu chiếm khoảng 26,7% tổng thu ngân sách toàn ngành hải quan, khoảng 17-20% thu ngân sách TP.HCM, khoảng 6% tổng thu ngân sách quốc gia.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-logistics-tai-tp-thu-duc-con-nhieu-rao-can-post683903.html