Ngành nào tiên phong chuyển đổi xanh
Các đơn vị nhiệt điện, sản xuất sắt thép và xi măng có mức phát thải lớn sẽ được phân bổ hạn ngạch khí thải trong thời gian tới, cũng là nhóm ngành cần phải đi đầu trong các giải pháp cắt giảm khí thải nhà kính.
Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong giai đoạn 2025 – 2026, hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ tới khoảng 200 cơ sở sản xuất có mức xả thải lớn, thuộc ba lĩnh vực là nhiệt điện, sản xuất xi măng và sản xuất sắt thép.
Khi bị áp hạn ngạch, các đơn vị này sẽ có hai trách nhiệm bắt buộc là kiểm kê khí thải nhà kính và lên kế hoạch giảm nhẹ cường độ phát thải sao cho nằm trong mức hạn ngạch cho phép. Nếu phát thải quá hạn ngạch, doanh nghiệp sở hữu cơ sở phát thải sẽ phải chịu phạt.
Nói cách khác, nếu đề xuất của Bộ Tài nguyên và môi trường được thực hiện, 200 cơ sở sản xuất thuộc ba lĩnh vực kể trên sẽ là những đơn vị tiên phong thực hiện trách nhiệm kiểm kê và cắt giảm lượng phát thải.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp ở những lĩnh vực đó đang triển khai nhiều giải pháp giảm nhẹ cường độ phát thải, đem lại cả hiệu quả môi trường và giá trị kinh tế.
Chẳng hạn, Thép Hòa Phát ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt lượng dư thừa để tiết giảm khí thải từ đốt lò nung, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Hay Xi măng Bỉm Sơn trang bị các hệ thống lọc bụi, cân bằng định lượng để hạn chế bụi thải, Xi măng VICEM tận dụng bùn thải sản xuất xi măng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM, các giải pháp giảm nhẹ khí thải ban đầu có thể tương đối đơn giản nhưng chỉ hiệu quả trong một mức độ nhất định.
Ở cấp độ cao hơn, doanh nghiệp bắt buộc phải ứng dụng công nghệ mới, thậm chí là thay đổi cả dây chuyền sản xuất, đầu tư lại cơ sở vật chất, đòi hỏi chi phí không nhỏ. Đây là thách thức khiến việc giảm nhẹ cường độ phát thải không hề dễ dàng đối với phần đông doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Quân, những doanh nghiệp bị áp hạn ngạch khí thải trong giai đoạn đầu là doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn. “Doanh nghiệp phát thải lớn thì chắc chắn sẽ có quy mô, nguồn lực tương xứng”, ông Quân nói với TheLEADER.
Chính vì vậy, vị chuyên gia nhận xét, giảm nhẹ cường độ phát thải thông qua những giải pháp công nghệ, kỹ thuật toàn diện không phải là quá mức khó khăn đối với nhóm doanh nghiệp này.
“Nếu họ không thực sự thay đổi thì rất đáng tiếc cho những doanh nghiệp lớn mà không chịu nắm bắt xu thế”, ông Quân nói.
Trên thực tế, cho dù không bị áp hạn ngạch phát thải thì nhóm doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kể trên cũng phải thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ cường độ xả thải, bởi cả ba lĩnh vực đều nằm trong điều chỉnh của cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).
Không cứ phải xuất khẩu sang châu Âu mới phải tuân thủ CBAM bởi chính sách này hướng đến kiểm soát lượng phát thải trung bình trên mỗi sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tức là doanh nghiệp sẽ sớm bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng có liên quan đến thị trường EU nếu không có giải pháp kiểm kê và cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Còn trong khuôn khổ hạn ngạch, doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn, có giải pháp giảm phát thải hiệu quả hơn để cường độ khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể sử dụng phần hạn ngạch còn thừa để trao đổi trên thị trường tín chỉ carbon bắt buộc.
Tín chỉ carbon là một khoản tài chính bổ sung, dù có thể không nhiều nhưng tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp theo đuổi các giải pháp bền vững. Bên cạnh đó, ông Quân nhìn nhận, nhiều cơ hội lớn sẽ mở ra cho doanh nghiệp cắt giảm khí thải bài bản và hiệu quả, như các khoản đầu tư, tài trợ quốc tế hay sự ưu ái từ phía chính sách.
Bên cạnh lĩnh vực điện than, sắt thép và xi măng, một số doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực khác có thể sẽ dẫn dắt cuộc chuyển đổi xanh của Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp.
Viện trưởng ICED lý giải, nông nghiệp có nhiều tiềm năng để giảm phát thải thông qua phương pháp canh tác hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi đòi hỏi các chủ thể liên quan phải có giải pháp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để bà con nông dân nâng cao nhận thức và năng lực.
Những doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước cũng sẽ là một động lực quan trọng để tiên phong thúc đẩy chuyển đổi xanh. Trong bối cảnh hiện tại, nguồn lực doanh nghiệp tư nhân chỉ có hạn và phải vất vả lo bài toán cạnh tranh, đòi hỏi nguồn lực từ phía Nhà nước dẫn dắt để tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nganh-nao-tien-phong-chuyen-doi-xanh-1722246273759.htm