Ngành Ngân hàng chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên tục đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (CCHC), góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng. Để phát huy những kết quả đạt được trong thành quả chung của ngành, thời gian qua, NHNN-Chi nhánh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp từng bước xây dựng cơ quan hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ, NHNN-Chi nhánh Quảng Bình luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Hàng năm, đơn vị đã bám sát kế hoạch CCHC của NHNN, UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quan trọng kịp thời, hiệu quả.
Cụ thể, công tác CCHC được lãnh đạo NHNN-Chi nhánh Quảng Bình thường xuyên quan tâm, có biện pháp triển khai cụ thể đến từng phòng, ban chuyên môn và đôn đốc thực hiện. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị cũng tăng cường kiểm tra công tác CCHC, công vụ; kịp thời xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, sách nhiễu, phiền hà cho tổ chức, cá nhân (nếu có), bảo đảm hiệu quả công tác CCHC.
Việc quán triệt, triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị được lãnh đạo đơn vị triển khai thông qua các hội nghị, văn bản chỉ đạo đối với các tổ chức tín dụng. Đơn vị cũng tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách của Chính phủ và NHNN Việt Nam về hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Đặc biệt, đơn vị chú trọng các giải pháp xây dựng môi trường làm việc điện tử hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Nhiệm vụ cải cách hoạt động công vụ, công chức được đẩy mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng tốt yêu cầu đối với hoạt động công vụ, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mang tính chiến lược quan trọng, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu phát triển trong thời kỳ hiện đại hóa nền hành chính.
Cơ chế một cửa trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) được đơn vị triển khai hiệu quả, đúng quy định. Hoạt động quản lý nhà nước thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, nhằm đáp ứng mục tiêu đã đề ra với phương châm “Tận tụy, trách nhiệm-công tâm, chu đáo-đúng pháp luật, đúng hẹn”; bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC.
Có được kết quả trên phần lớn là nhờ vào chiến lược chuyển đổi số (CĐS) của ngành Ngân hàng. Hiện nay, CĐS đang là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, là hướng đi tất yếu của thời đại. Đối với lĩnh vực ngân hàng, quá trình CĐS đang làm thay đổi cấu trúc các dịch vụ tài chính, mang đến nhiều kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, hiện đại trên không gian mạng, giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính-ngân hàng, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Quảng Bình khẳng định: “CĐS và CCHC được xác định là hai nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Do đó, thời gian qua, ngành Ngân hàng Quảng Bình đã và đang quyết liệt đẩy mạnh hai công tác này, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được kết nối với các dịch vụ ở những lĩnh vực khác, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai mở tài khoản bằng eKYC với 78.104 tài khoản, dựa trên phương thức điện tử đang hoạt động. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược CĐS; tích cực ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghệ 4.0 hoặc hợp tác nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong việc thanh toán.
Nhiều nghiệp vụ cơ bản được số hóa hoàn toàn 100%. Các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân… Một số ngân hàng thương mại (Vietcombank, BIDV, Vietinbank…) đã phối hợp với Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ của ngân hàng, như: Mở tài khoản eKYC, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số…
Có thể thấy, CĐS đã góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhờ các ứng dụng trực tuyến, công nghệ số, việc giải quyết TTHC được rút ngắn thời gian, góp phần nâng cao chỉ số CCHC.
Năm 2022, NHNN-Chi nhánh Quảng Bình đã tiếp nhận và thực hiện giải quyết 12 TTHC, với 39 hồ sơ được tiếp nhận. Trong năm không có hồ sơ tồn đọng từ năm trước chuyển sang; số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 39 hồ sơ, quá hạn và đang giải quyết không có.
Ông Đinh Quang Hiếu cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ cải cách TTHC của Chính phủ và NHNN Việt Nam, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định liên quan đến công tác CCHC, CĐS. Cải cách TTHC sẽ được thực hiện quyết liệt, phát huy hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên rà soát, đưa ra kiến nghị phương án đơn giản hóa TTHC và quy định có liên quan đang còn vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn trong công tác giải quyết TTHC; tăng cường các giải pháp về công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, sẽ chú trọng bảo đảm năng lực hạ tầng công nghệ thông tin cho việc vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống một cửa điện tử tại chi nhánh được thông suốt, nhanh chóng và thuận lợi. Đơn vị nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn.
Phương thức hoạt động, điều hành đổi mới gắn liền với hiện đại hóa công sở. Đơn vị cũng sẽ tăng cường trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử và thực hiện ký số văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản (edoc) và điều hành tại tất cả các phòng, ban thuộc chi nhánh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC... Đồng thời, đơn vị chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh CĐS, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch với khách hàng.