Ngành Ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu

Gam màu sáng của "bức tranh" ngân hàng

(HNM) - Đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành Ngân hàng khoảng 14% trong năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng xuống dưới 2%... Đây là những kế hoạch cụ thể mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra trong những ngày đầu năm 2020 đối với toàn ngành. Thực hiện mục tiêu này, ngành Ngân hàng đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu năm.

Khách hàng tới giao dịch tại Ngân hàng HD Bank. Ảnh: Hải Anh

Nhìn lại năm 2019, ngành Ngân hàng đã có một năm hoạt động tích cực, với tăng trưởng tín dụng đạt trên 13% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng được điều chỉnh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Tỷ lệ nợ xấu đã được kéo xuống mức 1,89%. Tính từ năm 2012 đến cuối năm 2019, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Mặc dù đến nay chỉ có một số ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh năm 2019, song những kết quả nổi bật đạt được là cơ sở cho việc đặt mục tiêu, kế hoạch trong năm 2020.

Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 15%, tương đương khoảng 26.565 tỷ đồng, tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%. Vietcombank cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình của ngành để ngân hàng khai thác hết tiềm năng của mình.

Cũng đặt kế hoạch kinh doanh khá cao, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định, năm 2020 có ý nghĩa quan trọng đối với VietinBank, bởi đây là năm cuối thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; năm cuối thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018-2020. Vì thế, ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 6-8%, tín dụng tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, lợi nhuận trước thuế tăng 10% trở lên so với năm 2019.

Trước mục tiêu, kế hoạch của các ngân hàng, các doanh nghiệp tin tưởng, năm 2020, bức tranh của ngành Ngân hàng sẽ sáng, bởi tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới được dự báo khá lạc quan. Ông Mai Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Nội thất Quỳnh Chi (quận Hoàng Mai) cho rằng: “Các ngân hàng đã luôn là bạn đồng hành của doanh nghiệp trong những năm qua, đặc biệt là năm 2019 với việc liên tục điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi hy vọng, trong năm 2020, việc này sẽ được phát huy để doanh nghiệp có thể yên tâm vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể, năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Ngành Ngân hàng phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém)”.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/956096/nganh-ngan-hang-tap-trung-xu-ly-no-xau