Ngành nông nghiệp một năm vượt khó

Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh phải đối mặt cùng lúc nhiều rủi ro, như: Đại dịch Covid-19, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh…, toàn ngành đã tập trung vượt khó, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Hộ chăn nuôi xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đầu tư chăn nuôi quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển của ngành. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 4,8%, cao hơn 0,2% so với năm trước, đạt kế hoạch giao; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 11,97 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 120 nghìn ha, trong đó, diện tích cây lương thực có hạt trên 70 nghìn ha, sản lượng đạt 36 vạn tấn, tăng 3% so với năm trước, đạt 100% kế hoạch. Cây ăn quả có múi phát triển ổn định, đến nay, toàn tỉnh có trên 11,5 nghìn ha cây ăn quả có múi, diện tích kinh doanh trên 8 nghìn ha, sản lượng đạt trên 15 vạn tấn. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao, đã chuyển đổi trên 2 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác như ngô, rau đậu, cây có múi, cây hàng năm và cây lâu năm khác. Các mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất tiếp tục phát triển, điển hình như mô hình liên kết trong sản xuất rau an toàn, cà chua, dưa lưới… đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 2.528 ha diện tích đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của nông dân. Ngành đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như kết nối cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tư thương trao đổi thông tin, thu mua nông sản cho các sản phẩm: bí đỏ (Mai Châu), bí xanh (Yên Thủy, Kim Bôi, TP Hòa Bình), rau su su (Tân Lạc), nhãn (Lương Sơn, Kim Bôi), thanh long (Lạc Thủy), cam, bưởi (Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy)…, đồng thời triển khai hoạt động bán hàng qua hệ thống sàn thương mại điện tử Postmat.vn, Voso.vn, qua đó giúp nông sản không bị ùn ứ, nông dân có thu nhập trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh.

Trong chăn nuôi, năm 2021, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 25 xã của 8 huyện, thành phố với tổng số lợn phải tiêu hủy hơn 2 nghìn con; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 128 xã, thị trấn của 10 huyện, thành phố với trên 4.700 con. Trước thực trạng đó, ngành đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường triển khai tiêm vắc xin các loại cho gia súc, gia cầm. Chú trọng tổ chức sản xuất chăn nuôi trang trại khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ. Tại các địa phương, các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn, mở rộng chăn nuôi theo quy trình VietGAP, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, bảo đảm nguồn cung thực phẩm thị trường dịp Tết Nguyên đán. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi duy trì, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đến nay, tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh đạt khoảng 87% tổng trang trại đăng ký chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Công tác chăm sóc, khoanh nuôi, phát triển rừng được quan tâm, các địa phương tăng diện tích trồng cây gỗ lớn và cây bản địa. Trong năm đã trồng được trên 992,13 nghìn cây phân tán và cây ăn quả các loại, 6,7 nghìn ha rừng tập trung, tăng 19,3% kế hoạch; chăm sóc, bảo vệ 100% diện tích rừng trồng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy, đặc sản trên diện tích ao, hồ. Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước, trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá, sản lượng thu hoạch ước đạt 11,7 nghìn tấn (sản lượng khai thác 1,9 nghìn tấn, nuôi trồng 9,8 nghìn tấn).

Song song với đó, ngành chú trọng quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản; tăng cường công tác tuyên truyền về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 14 cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tham gia diễn đàn, hội nghị trực tuyến để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức lấy 129 mẫu nông, lâm, thủy sản để kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm; kiểm tra, đánh giá 112 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT.

V.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/162064/nganh-nong-nghiep-mot-nam-vuot-kho.htm