Ngành thép 2025: Hồi phục mạnh hay vẫn giằng co cung - cầu?

Ngành thép Việt Nam ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhưng vẫn phục hồi chậm. Bước sang 2025, thách thức gia tăng khi Mỹ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu, trong khi nhu cầu nội địa kỳ vọng bứt phá nhờ đầu tư công và bất động sản.

Ngành thép phục hồi chậm

Năm 2024, ngành thép Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản xuất và tiêu thụ, dù vẫn còn những thách thức nhất định. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng thép thô sản xuất đạt hơn 21,98 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023. Tiêu thụ thép thô nội địa và xuất khẩu cũng đạt mức tăng tương ứng, trong đó xuất khẩu phôi dẹt (slab) tăng mạnh 55%.

Ở mảng thép thành phẩm, sản xuất đạt gần 29,5 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm trước, trong đó tôn mạ kim loại và sơn phủ màu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với 23,1%.

Bán hàng thép thành phẩm cũng đạt gần 29,1 triệu tấn, tăng 10,4%. Tuy nhiên, xuất khẩu thép thành phẩm lại giảm nhẹ 0,6%.

Dù các chỉ số tăng trưởng có phần khả quan, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành thép Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi chậm. Năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động với cả cơ hội và thách thức đan xen.

Đáng chú ý, quyết định áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ do Tổng thống Donald Trump ký sẽ tác động đáng kể đến ngành thép Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nội địa cần có những chiến lược thích ứng linh hoạt để duy trì đà tăng trưởng.

Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu - VPBankS Đào Hồng Dương

Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu - VPBankS Đào Hồng Dương

Nhận định về triển vọng ngành thép, ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, tăng trưởng của ngành trong năm 2025 sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố chính: tiêu thụ trong nước, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và diễn biến giá thép.

“Thực ra, chúng tôi dự báo lợi nhuận ngành thép năm nay dựa trên dự báo tăng trưởng sản lượng và giá bán bình quân của năm 2025. Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp có nhiều lợi thế nhất, nên chúng tôi đưa ra kỳ vọng tích cực hơn đối với công ty này”, ông Dương nhận định.

Sẽ bứt phá?

Theo ông Dương, tiêu thụ thép trong nước sẽ tiếp tục là động lực chính cho sự phục hồi của ngành, nhờ vào các yếu tố như đầu tư công và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu lớn đối với thép xây dựng. Ngoài ra, sau giai đoạn suy thoái, thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ dần hồi phục, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng lên. “Những yếu tố này có thể tạo cú bứt phá về sản lượng tiêu thụ thép trong năm nay”, ông Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc Mỹ áp thuế 25% lên thép Việt Nam sẽ đặt ra bài toán khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, buộc họ phải tìm kiếm các thị trường thay thế hoặc gia tăng tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Hòa Phát lại có lợi thế nhất định khi dự án Dung Quất 2 sắp đi vào vận hành.

“Biến động từ cuộc chiến thương mại tạo ra lợi thế nhất định cho Hòa Phát, đặc biệt khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động, giúp gia tăng công suất và cải thiện biên lợi nhuận”, ông Dương cho biết.

Hòa Phát được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực

Hòa Phát được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực

Giá thép cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành. Theo ông Dương, giá thép chịu tác động từ hai yếu tố chính là cung – cầu. “Về phía cầu, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đóng vai trò quyết định. Còn về phía cung, chúng ta cần quan tâm nhiều đến nguồn cung thép từ Trung Quốc” ông nói.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới và các chính sách điều tiết của nước này có thể ảnh hưởng mạnh đến mặt bằng giá thép toàn cầu. Nếu Trung Quốc cắt giảm sản lượng để kiểm soát ô nhiễm hoặc điều chỉnh xuất khẩu, giá thép có thể duy trì ở mức cao.

Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý rằng giá thép không phải là yếu tố duy nhất quyết định kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép. “Một chỉ tiêu khác có sức ảnh hưởng lớn là biên lợi nhuận gộp. Như Hòa Phát, chúng ta cần quan tâm đến cả giá quặng và giá than. Khoảng chênh lệch giữa chi phí đầu vào và doanh thu có thể giúp lợi nhuận đạt mức tăng tích cực hơn”, ông phân tích. Điều này có nghĩa là ngay cả khi giá thép biến động, doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí nguyên liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/nganh-thep-2025-hoi-phuc-manh-hay-van-giang-co-cung-cau-139474.html