Ngành tư pháp góp sức xây dựng nông thôn mới

Với nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đến kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Ngọc Thư

Đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đến kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Ngọc Thư

Đặc biệt, hệ thống ngành tư pháp đã chú trọng nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), giúp người dân nâng cao nhận thức và góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Đáp ứng nhu cầu về tiếp cận pháp luật của người dân

Trưởng phòng Tư pháp huyện Xuân Lộc Phan Cao Lâm cho biết, năm 2014, Xuân Lộc là một trong 2 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2018, huyện đã được Trung ương chọn là một trong 4 địa phương trong cả nước thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Đến năm 2023, Xuân Lộc được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện địa phương đã báo cáo và trình hồ sơ cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc, bên cạnh tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hướng dẫn, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh. Đặc biệt, đối với các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan lĩnh vực tư pháp trong công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu luôn được quan tâm kịp thời.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn chia sẻ, công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL không chỉ góp phần vào các tiêu chí NTM, đô thị văn minh… mà xa hơn nữa là chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý nhà nước bằng pháp luật để người dân hiểu biết pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Do vậy, nhiệm vụ của Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục các hạn chế, thiếu sót để công tác này đạt hiệu quả thực chất hơn trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã có nhiều văn bản triển khai đến địa phương thực hiện các tiêu chí về huyện, xã đạt chuẩn TCPL, công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. UBND huyện Xuân Lộc dựa trên cơ sở đó để chỉ đạo triển khai đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã làm căn cứ thực hiện.

Kết quả, các địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định liên quan đến chuẩn TCPL cho cán bộ, người dân trên địa bàn xã; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn TCPL theo quy định; ban hành kịp thời và đúng quy định các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật trên địa bàn. Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật; xây dựng mỗi xã 2 mô hình PBGDPL hiệu quả tại cơ sở; kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở…

Đến nay, trên địa bàn huyện Xuân Lộc có 92 tổ hòa giải cơ sở với 490 hòa giải viên; tỷ lệ hòa giải thành tăng dần qua hàng năm, trung bình đạt 92% trên tổng số vụ việc đưa ra hòa giải.

Đồng thời, căn cứ các quy trình, thủ tục thẩm định hồ sơ NTM, Sở Tư pháp đã tích cực hỗ trợ UBND huyện thẩm định sớm các hồ sơ NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của các xã và của huyện, góp phần giúp Xuân Lộc về đích sớm trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Phúc Linh (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho hay, đa số người dân vùng nông thôn đều gắn với việc làm nông và thường xuyên vắng nhà để lên vườn rẫy làm việc. Từ khi Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hình thức PBGDPL (trong đó có chương trình tuyên truyền pháp luật vào ban đêm hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần) thì bà con tham gia đầy đủ hơn. Đồng thời, nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong dân cũng được các tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết kịp thời. Nhờ đó, nhận thức về pháp luật của bà con ngày càng nâng lên và chấp hành đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phát huy vai trò của ngành tư pháp

Trong năm 2024, Sở Tư pháp (Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh) đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn TCPL tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định về hòa giải ở cơ sở, chuẩn TCPL.

Chẳng hạn, một số địa phương chưa khuyến khích, huy động được đội ngũ luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Sự phối hợp giữa công chức các ngành của xã trong quá trình thực hiện công tác tự đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí chưa hiệu quả; việc thực hiện tự đánh giá, chấm điểm chủ yếu vẫn do công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện. Việc hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ hoạt động của các tổ hòa giải vẫn còn hạn chế dẫn đến nhiều vụ việc được các tổ hòa giải thực hiện hòa giải nhưng không ghi nhận trong sổ theo dõi...

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, ngành tư pháp đã đặt ra các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn TCPL. Trong đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, quản lý nhà nước về PBGDPL; đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức PBGDPL, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL, nhân rộng mô hình PBGDPL trên mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Sở Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, xây dựng nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở; phát huy, huy động đội ngũ luật sư, luật gia, thẩm phán, người hiểu biết pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Sở sẽ ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, chuẩn TCPL trong năm 2025 tại các sở, ban, ngành, địa phương.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202502/nganh-tu-phap-gop-suc-xay-dung-nong-thon-moi-8c47a44/