Ngành vận tải biển đang đối mặt với một trong những thách thức lớn

Ngành vận tải biển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuyền viên trên toàn thế giới, cũng như hồ sơ xin việc giả, tai nạn trên biển và giá cước vận tải tăng rất cao.

 Tình trạng thiếu hụt thủy thủ sẽ kéo dài và là một trong những rào cản lớn nhất mà ngành phải đối mặt. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Tình trạng thiếu hụt thủy thủ sẽ kéo dài và là một trong những rào cản lớn nhất mà ngành phải đối mặt. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Trả lời phỏng vấn của trang CNBC, nhà phân tích nhân sự cấp cao tại Drewry Rhett Harris cho biết: “Chúng tôi chứng kiến tình trạng thiếu hụt thủy thủ diễn ra liên tục”. Theo đó, mặc dù số lượng tàu thuyền trong những năm gần đây đã tăng “theo cấp số nhân” lên tới hàng nghìn chiếc/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng nhân lực cần thiết để vận hành tàu vẫn chưa theo kịp.

Nguồn cung nhân sự cấp cao, đặc biệt là kỹ sư, thậm chí còn khan hiếm hơn cả sĩ quan boong tàu. Các công ty phải tuyển dụng những người đi biển có ít kinh nghiệm hơn họ mong muốn để đối phó với tình hình.

Theo báo cáo phân tích lực lượng thủy thủ mới nhất của Phòng Thương mại Vận tải biển Quốc tế (ICS), dự kiến sẽ thiếu hụt 90.000 thủy thủ được đào tạo vào năm 2026.

ICS cho biết: “Điều quan trọng là phải tích cực tuyển dụng lực lượng lao động đa dạng hơn để duy trì sự phát triển của ngành. Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành vận tải biển đang phải đối mặt hiện nay”.

Và một trong những khó khăn mà ngành đang gặp phải, Henrik Jensen, Tổng giám đốc điều hành của Danica Crewing Specialists, một công ty dịch vụ tuyển dụng và cung ứng nhân sự hàng hải quốc tế, chia sẻ rằng nhiều nhân viên hàng hải hiện cũng đang lựa chọn công việc trên bờ hơn là ra khơi. Trên hết, sức hấp dẫn của nghề đi biển đối với thế hệ trẻ đang ngày càng giảm.

Trước đây, mức lương của các thủy thủ đủ cao để trở thành một lựa chọn hấp dẫn khi xem xét đến tài chính. Nhưng ngày nay, những người trẻ tuổi đang ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, họ bắt đầu không sẵn sàng gắn bó lâu dài với một công việc đòi hỏi phải xa nhà trong thời gian dài.

Về vấn đề hồ sơ giả, tình trạng này trở nên phổ biến hơn kể từ khi xảy ra tình trạng thiếu hụt, trong đó ngày càng nhiều thủy thủ làm giả kinh nghiệm làm việc và thời gian đi tàu để được nhận việc.

Cùng với đó, ít người có thể lênh đênh trên biển dài ngày và làm việc liên tục. Sự mệt mỏi và căng thẳng có thể khiến sức khỏe tinh thần của các thuyền viên bị ảnh hưởng, thậm chí là xảy ra tai nạn trên tàu.

Trong một nghiên cứu năm 2024 của Đại học Hàng hải Thế giới, hơn 93% trong số 9.214 thủy thủ được khảo sát lưu ý mệt mỏi là thách thức liên quan đến an toàn thường thấy nhất trên tàu. Khoảng 78% báo cáo không có một ngày nghỉ trọn vẹn trong toàn bộ thời hạn hợp đồng.

Với hơn 80% khối lượng thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) nhận định, vận tải biển là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, việc thiếu thủy thủ đoàn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng vì tàu có thể bị giữ lại tại cảng.

Các chuyên gia chia sẻ quan điểm rằng tình trạng thiếu hụt thủy thủ sẽ kéo dài thêm vài năm nữa và thừa nhận rằng đây là một trong những rào cản lớn nhất mà ngành phải đối mặt.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ CNBC)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nganh-van-tai-bien-dang-doi-mat-voi-mot-trong-nhung-thach-thuc-lon-148486.html