Ngành vật liệu xây dựng chưa qua cơn 'bĩ cực'

Bất động sản trầm lắng, nhu cầu xây dựng thấp, xuất khẩu khó khăn, sức tiêu thụ trong nước yếu là những vấn đề mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đang gặp phải.

Sản xuất, gia công xây dựng kết cấu nhà xưởng bằng thép tại một doanh nghiệp ở Vĩnh Cửu. Ảnh:V.Gia

Sản xuất, gia công xây dựng kết cấu nhà xưởng bằng thép tại một doanh nghiệp ở Vĩnh Cửu. Ảnh:V.Gia

Chính phủ, các bộ ngành đang có những chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho DN sản xuất VLXD. Cùng với đó, nhiều đơn vị đã nỗ lực để tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, thích ứng với những biến động về thị trường.

Sản xuất kinh doanh gặp khó

Tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD được tổ chức ngày 15-6 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước rất thấp, chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành xi măng. Năm 2022, số lượng xuất khẩu chỉ đạt 15,2 triệu tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022). Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng xi măng xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ nhóm VLXD khác như: gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng và vật liệu xây không nung, sắt thép… cũng gặp không ít khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì nhu cầu VLXD trong nước suy giảm do tốc độ đầu tư xây dựng trong nước giảm sút, nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ. Chi phí cước vận tải tăng làm tăng giá VLXD, cộng thêm thị trường nhập ngoại tăng tác động đến thị trường.

Theo Bộ Xây dựng, 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung.

Do tiêu thụ sản phẩm chậm trong thời gian gần đây, nhiều DN đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất sản phẩm, dẫn đến dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Một số nhà máy VLXD, đặc biệt là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.

Để tháo gỡ khó khăn, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các bộ, ngành, địa phương, DN, hiệp hội cần rà soát lại cơ chế, chính sách về phát triển; thích nghi với tình hình; chủ động ứng phó một cách kịp thời các tác động bất lợi để hỗ trợ DN ổn định sản xuất và mở rộng thị trường. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm VLXD.

Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Là một trong những DN sản xuất gạch men đầu ngành, Tổng công ty Viglacera - CTCP cũng đang phải đánh giá lại hiệu quả kinh doanh của mình trong bối cảnh thị trường khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT tổng công ty, việc đánh giá thị trường và đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết, không chỉ hiểu rõ nhu cầu của khách hàng mà còn là cơ hội để các đơn vị nhận biết và tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình.

Viglacera sẽ hợp tác với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để tái cấu trúc, đánh giá lại mô hình kinh doanh và tối ưu hóa hoạt động, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và cạnh tranh của DN. Đối với khối kinh doanh, thương mại, các đơn vị sẽ tập trung gia tăng độ phủ, phát triển thêm các nhà phân phối, các đại lý cấp 1, 2. Trong khối sản xuất, cần tập trung kiểm soát hàng tồn kho, siết chặt quản lý, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm soát chất lượng để tạo lợi thế cạnh tranh.

Một DN khác là Công ty CP Công nghệ kính SADO (thành phố Biên Hòa) cũng vừa tái cơ cấu lại tổ chức. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng Vân là cổ đông mới giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Đợt tái cơ cấu lần này, SADO đã tăng thêm vốn lưu động, đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại và nâng cấp dây chuyền sản xuất. Song song đó, DN này còn đào tạo đội ngũ nhân sự và nhân viên kỹ sư vận hành dây chuyền máy móc, thiết bị tự động hóa, nâng cao tay nghề chuyên nghiệp.

SADO cũng thay đổi định hướng kinh doanh. Thay vì gia công và thi công lắp đặt hạng mục nhôm kính cho các dự án như trước đây, DN tập trung vào gia công sản xuất tất cả các sản phẩm kính xây dựng, kính trang trí nội, ngoại thất. Đồng thời, công ty cũng phát triển thêm các loại sản phẩm mới như kính trang trí in ceramic và gia công các sản phẩm bằng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại.

Ở phương diện khác, với Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (thành phố Biên Hòa), bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực, cho hay để tiếp cận thị trường, khai thác tốt hơn dư địa, DN đang ngày càng trẻ hóa đội ngũ nhân sự của mình. Dù bất cứ giai đoạn nào thì đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý trẻ vẫn phải được coi trọng. Động lực từ sự đổi mới sáng tạo của DN là chìa khóa của mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là khi khoa học, công nghệ đang có những thay đổi nhanh chóng buộc DN phải thích nghi.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/nganh-vat-lieu-xay-dung-chua-qua-con-bi-cuc-c2642ee/