Ngày 3/4/1975: Thành phố Đà Lạt và toàn tỉnh Tuyên Đức giải phóng, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng
8 giờ 20 phút ngày 3/4/1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng. Như vậy, đến ngày 3/4/1975, hai tỉnh phía nam Tây Nguyên là Tuyên Đức và Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng; chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng, vượt xa dự kiến ban đầu.

Nhân dân Đà Lạt mít-tinh mừng giải phóng ngày 3/4/1975. (Ảnh tư liệu/QĐND)
Ngày 3/4/1975, tại Khánh Hòa, sau thắng lợi giải phóng thị xã Nha Trang, Sư đoàn 10 và lực lượng vũ trang địa phương tiến về giải phóng khu Quân sự liên hiệp Cam Ranh - căn cứ hải quân quan trọng của địch.
Tại Đà Lạt, sau khi giải phóng Đức Trọng, lực lượng ta tiếp tục tiến lên giải phóng thị xã Đà Lạt, một sào huyệt cuối cùng và rất quan trọng của địch ở Tây Nguyên.
3 giờ sáng 3/4/1975, lực lượng của ta đã tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi: Tiểu đoàn 840 Trung đoàn 812 chủ lực Quân khu 6 tiến theo Đường 21 về thị trấn D’Ran, quân địch ở đây đã bỏ chạy, đơn vị nhanh chóng tiếp quản chi khu, quận lỵ và thành lập Ủy ban quân quản huyện Đơn Dương.
Tiểu đoàn 186 theo Đường 20 lên Đà Lạt. Đến 8 giờ sáng 3/4/1975, đơn vị đã đến ngã tư cây xăng Kim Cúc, cửa ngõ nội ô Đà Lạt thì gặp một số cán bộ cơ sở của ta. Một phân đội của tiểu đoàn cùng cán bộ, cơ sở Đà Lạt tiến vào chiếm lĩnh tòa hành chính tỉnh của ngụy quyền.
8 giờ 20 phút ngày 3/4/1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng. Như vậy, đến ngày 3/4/1975, hai tỉnh phía nam Tây Nguyên là Tuyên Đức và Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng.
Ngày 3/4/1975, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng, vượt xa dự kiến ban đầu. Trong 30 ngày liên tục tiến công ta diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa, một bộ phận dự bị chiến lược của địch, cùng toàn bộ lực lượng địch ở Tây Nguyên và hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Ngày 3/4/1975, tại Sở Chỉ huy ở đông cầu La Ngà, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 bàn phương án đánh chiếm Thị xã Xuân Lộc - một khu vực phòng thủ mạnh của địch, được mệnh danh là “cánh cửa thép” trên cửa ngõ phía đông Sài Gòn.
Phương án tác chiến được thông qua là dùng lực lượng lớn bộ binh, xe tăng, pháo binh đánh thẳng vào Sở chỉ huy Tiểu khu và Sư đoàn 18, nhanh chóng chiếm Xuân Lộc, tạo thế và lực cho Quân giải phóng tiến công áp sát Biên Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ ngày 1 đến ngày 3/4/1975, phối hợp với các cánh quân khác, các đơn vị hải quân lần lượt tham gia đánh chiếm căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh. Mũi tiến công trên biển gồm 3 tàu tên lửa của Tiểu đoàn 173 (Trung đoàn 172), 4 tàu tuần tiễu chiến đấu của Trung đoàn 171 và lực lượng tàu vận tải quân sự của Đoàn 125 uy hiếp, khiến quân địch hoang mang dao động, giảm hoạt động chi viện, yểm trợ trên hướng biển.
Trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, cùng ngày 3/4/1975, đội hình thứ hai gồm 395 xe của Trung đoàn ô-tô 515, một bộ phận của Trung đoàn ô-tô 13 Bộ Tư lệnh Trường Sơn, cơ động Sư đoàn 312 và cơ quan Quân đoàn 1 theo tuyến Đông Trường Sơn vào Nam Bộ.
Cùng ngày Tiền phương Bộ đã hành quân tới vị trí của Bộ chỉ huy Miền và Trung ương Cục miền nam tại căn cứ Lộc Ninh.
Với hậu phương miền bắc, trong hai tháng đầu năm 1975, miền bắc đã huy động 57.000 quân (trong tổng số 108.000 quân của kế hoạch động viên năm 1975); gấp rút huấn luyện, bổ sung cho chiến trường. Nhiều đoàn cán bộ của cơ quan Đảng, của Bộ Quốc phòng: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và các quân binh chủng… khẩn trương vào chiến trường để đôn đốc công tác chuẩn bị.