Ngày 30/4 trong suy nghĩ của người trẻ: Cùng lan tỏa tình yêu nước

Trên mạng xã hội và trong rất nhiều hoạt động những ngày qua, tinh thần yêu nước và lòng biết ơn của thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục được nuôi dưỡng và thể hiện theo nhiều cách khác nhau: từ học tập, sáng tạo, đến các hoạt động cộng đồng và gìn giữ giá trị lịch sử. Được sinh ra trong thời bình, không trực tiếp chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn mang trong mình tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân mãnh liệt.

Tình cảm ấy được hình thành từ nhiều yếu tố: truyền thống yêu nước của người Việt, những tiết học lịch sử đầy cảm hứng trên ghế nhà trường và đặc biệt là các xu hướng mang màu sắc lịch sử được lan tỏa trên mạng xã hội. Trong xu thế phát triển của công nghệ số, mạng xã hội trở thành phương tiện phổ biến để giới trẻ tiếp cận, gìn giữ và truyền bá các giá trị lịch sử. Tình yêu nước của người trẻ không hề mai một mà thay vào đó được biểu đạt bằng cách gần gũi, sáng tạo và phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại. Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook hay YouTube, ngày càng nhiều nội dung hướng về lịch sử và văn hóa dân tộc được giới trẻ đón nhận tích cực. Không khó để bắt gặp các video kể chuyện lịch sử bằng hoạt họa, các clip chia sẻ kiến thức lịch sử ngắn gọn, hay những dự án cá nhân tái hiện các nhân vật và sự kiện lịch sử theo lối kể sinh động, gần gũi.

Thông qua các trào lưu như mặc trang phục truyền thống khi đến các lễ hội âm nhạc như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự, hay chia sẻ nội dung về các ngày lễ lớn như 30/4, người trẻ đang sử dụng chính ngôn ngữ của thời đại để kết nối với quá khứ. Không chỉ dừng lại ở việc “đu trend”, ngày càng nhiều cá nhân chủ động khởi xướng các dự án cộng đồng, tổ chức sự kiện và truyền thông lịch sử theo cách mới mẻ, sáng tạo. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh sự chuyển mình rõ rệt trong cách thế hệ Gen Z tiếp cận và lan tỏa những giá trị lịch sử – văn hóa Việt Nam.

Trang trí trong những quán cà phê theo trend mừng đại lễ 30-4.

Trang trí trong những quán cà phê theo trend mừng đại lễ 30-4.

Tinh thần yêu nước hướng đến ngày 30/4 giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước của giới trẻ không chỉ hiện diện trong các hoạt động trang trọng, mà còn mà còn len lỏi trong những điều tưởng chừng rất đời thường như việc đi cà phê. Nhiều bạn trẻ chọn những quán cà phê mang đậm không khí, tinh thần dân tộc để vừa thư giãn, vừa cảm nhận niềm tự hào dân tộc qua không gian, câu chuyện và cả hương vị. Nhận thấy xu hướng này, không ít quán cà phê trải dài khắp ba miền đã "bắt sóng" bằng cách trang trí theo chủ đề kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 – với cờ đỏ sao vàng, radio cổ hay các tờ báo về ngày lễ lớn của dân tộc. Không chỉ là điểm check-in, những không gian ấy trở thành nơi kết nối ký ức lịch sử với nhịp sống hiện đại, để tinh thần yêu nước lan tỏa sâu sắc trong lòng giới trẻ. Không đơn thuần là sự tiếp nối truyền thống, đây còn là minh chứng cho cách người trẻ hôm nay tự định hình bản sắc yêu nước – chân thành, chủ động và đầy sáng tạo. Họ đang kể lại câu chuyện lịch sử theo cách của thế hệ mình và đây cũng là điều tìm thấy trong cuộc trò chuyện với những người trẻ mang trong mình tình yêu sâu sắc với đất nước.

Với Tú Anh – chủ một quán cà phê tại Đà Nẵng thì 30 tháng 4 là một dịp đặc biệt, nên quán cũng có nhiều thay đổi hòa vào không khí chung của đất nước. Quán trang trí theo chủ đề “hòa bình, độc lập tự do” với rực sắc cờ hoa. Không chỉ vậy, hướng vào tệp khách hàng là những bạn trẻ, quán cà phê còn chuẩn bị các món đồ uống có vẽ hình cờ đỏ sao vàng ở trên, tặng sticker với chủ đề yêu nước, tổ chức hoạt động trải nghiệm tự tay làm cà phê vẽ cờ đỏ sao vàng để khách có thật nhiều trải nghiệm.

“Về ý tưởng trang trí, mình nghĩ quán cà phê là một không gian công cộng, là nơi hình thành văn hóa cộng đồng. Giới trẻ hiện nay cũng đi cà phê chụp ảnh rất nhiều, vậy nên mình có suy nghĩ, nếu không gian quán được thiết kế theo chủ đề văn hóa, hướng về lịch sử thì sao? Nghĩ là làm, mình và các bạn trong quán bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Mình nghĩ điều này sẽ giúp những giá trị lịch sử đến gần hơn với các bạn trẻ, kết nối các thế hệ, lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc, yêu nước đến tất cả mọi người.” – Tú Anh tâm sự.

Tương tự, anh Toàn - chủ của Tiệm Cà phê 1998 tại Buôn Ma Thuột cũng có chung một suy nghĩ. “Năm nay là một dịp đặc biệt, là ngày kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mình muốn làm gì đó để thể hiện lòng yêu nước, sự biết ơn với thế hệ cha ông đi trước. Mình đã quyết định biến quán cà phê – đứa con tinh thần của mình – thành một nơi lan tỏa sự tự hào dân tộc mình tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, những người được hưởng sự hòa bình từ cha ông. Nếu không có sự hy sinh của họ, mình cũng chẳng thể mở quán cà phê như hôm nay. Lượng khách cũng ngày một tăng, không chỉ các bạn trẻ đến chụp ảnh cờ đỏ sao vàng mà còn rất nhiều các cô chú trung niên,các gia đình nhiều thế hệ cũng thích thú tham gia. Mình rất vui vì dường như lòng yêu nước, hướng về lịch sử dân tộc luôn tồn tại trong mỗi con người Việt Nam ta.” – Toàn tâm sự.

Người trẻ Việt Nam thể hiện tình yêu nước một cách mãnh liệt

“Là một người trẻ đến từ Indonesia – một quốc gia Hồi giáo – việc nhìn thấy các bạn trẻ tại Việt Nam thể hiện tình yêu nước thì đối với tôi ban đầu rất ngạc nhiên nhưng sau đó tôi hiểu đây là một văn hóa tích cực và rất đáng tôn trọng. Cách họ thể hiện tình yêu đất nước rất mãnh liệt. Tôi phải nói là rất khâm phục, vì ở đất nước tôi, nhiều bạn trẻ sẽ không đủ dũng cảm để làm điều tương tự. Tôi nhận ra có rất nhiều điểm khác biệt, rất nhiều điều cụ thể mà họ làm. Nhưng về mặt thể hiện tình yêu nước, điều đó khiến tôi nghĩ: Ô, đây là một nét văn hóa rất đẹp ở Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng chúng tôi cũng muốn làm điều đó, dù theo cách riêng của mình.

Tôi được biết người Việt khá đề cao việc học lịch sử và điều này rất đáng tự hào. Chúng ta cần học lịch sử không chỉ để nhớ những con số như năm 1945 hay 1975. Tôi nghĩ giới trẻ Việt Nam cần học lịch sử vì các bạn có một lịch sử rất đáng tự hào.

(Muhammad Aflahal Mukmin - Khách du lịch người Indonesia)

Hoàng Linh Lan, sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh Budapest (Hungary): Sống xứng đáng với giá trị của hòa bình

Hoàng Linh Lan hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh Budapest (Hungary), Trưởng ban Học tập & Đời sống – Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, Đảng viên Chi bộ Lưu học sinh Budapest & vùng phụ cận. Và đây là suy nghĩ của một người đang ở tuổi đôi mươi về thế hệ đã dành tuổi đôi mươi cho hòa bình và thống nhất đất nước:

“Tôi lớn lên cùng những câu chuyện kể về thế hệ cha ông tuổi hai mươi đã nằm lại. Vì thế, 30-4 đối với tôi, không chỉ là rộn ràng cờ hoa.

Tôi hay nghĩ, nếu họ không bị chiến tranh cướp mất, chắc họ cũng tiếp tục được sống, được yêu, viết nốt trang thơ còn dở và cũng có một tuổi trẻ hứa hẹn như tôi đang có hôm nay. Nhưng tất cả đã dừng lại ở tuổi đôi mươi. Vì vậy, 30-4 với tôi còn là dịp để lặng lại, nghĩ về những thanh xuân chưa kịp trọn vẹn mà giờ đây đã trở thành một phần của lịch sử.

Là du học sinh nhận học bổng Hiệp định Việt Nam - Hungary, tôi được học tập, mang hoài bão bước ra thế giới – một đặc quyền của hòa bình. Nhưng chưa bao giờ tôi coi đó là điều đương nhiên. Gia đình tôi, cả nội và ngoại có bốn liệt sĩ, hai cụ là Mẹ Liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng. Họ cùng với bao người con khác của dân tộc, đã đánh đổi quá nhiều để mình có được cuộc sống hôm nay.

Tôi ấn tượng một đoạn trong "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh khi viết về ngày 30-4: "Tại sao cũng trải qua khoảnh khắc lịch sử của chiến thắng mà đám lính chiến tụi anh lại không có tâm trạng bay bổng, sáng choang, ào ào sướng vui như họ là cớ làm sao?..."; "Không được quên, không được quên tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này". Rõ ràng, chiến thắng không chỉ là khoảnh khắc vinh quang mà là thành quả của những hy sinh lớn lao.

Ở xứ người, tôi luôn tự hào khi người Việt luôn dìu dắt nhau phát triển, gắn kết mạnh mẽ – như một cách để giữ lấy gốc rễ, để tiếp tục kể câu chuyện Việt Nam bằng ngôn ngữ của sự vươn lên và sẻ chia.

Những suất học bổng của chúng tôi cũng không chỉ là thành quả của hòa bình, mà còn là cầu nối giữa các dân tộc, giúp mình nhận ra rằng sau những năm tháng chia cắt, điều quý giá mà chúng ta có không chỉ là thống nhất lãnh thổ, mà còn là sự thống nhất con người – giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa dân tộc mình và bạn bè quốc tế.

Trong sự tưng bừng của ngày lễ, tôi lại nhớ lời nhân vật người lính trong cuốn sách: "Những người còn sống phải sống cho ra sống". Và trong khoảnh khắc đó, tôi thầm nghĩ: "Vâng, con sẽ không quên". Phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh ngày ấy, để biết ơn và tạo ra những điều có ý nghĩa.”

Tiến sĩ Lưu Trần Toàn - giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Sinh viên đều hiểu rõ, hiểu đúng về ngày 30-4 trọng đại của dân tộc

“Khi nhắc đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30 - 4 thì cảm xúc của bất kỳ một người dân Việt Nam nào bao gồm cả tôi là sự tự hào. Được sinh ra, lớn lên trong hòa bình thì bất cứ người trẻ nào cũng như là bản thân tôi nghĩ mình rất may mắn. Người trẻ được quyền theo đuổi những ước mơ có khả năng đạt được, ví dụ như theo đuổi học vấn, theo đuổi những đam mê cá nhân, sở thích, tìm hiểu thế giới xung quanh và rất nhiều điều khác nữa mà trong chiến tranh thì đó là những điều xa xỉ. Ta nên cảm thấy trân trọng điều đó và không quên rằng xương máu ông cha ta đã chính là để giúp cho chúng ta có quyền được sống trong hạnh phúc như bây giờ.

Tôi nghĩ với thế hệ trẻ, những người mà tôi đã và đang giảng dạy thì cột mốc lịch sử 30-4 là một cột mốc trọng đại và mọi sinh viên đều hiểu rõ, hiểu đúng. Đối với thế hệ trẻ lớn lên trong thời bình, mong muốn của tôi ngoài việc nhớ ơn công lao của những người đi trước thì cần phải tận dụng tối đa những điều kiện đang có để phát triển bản thân, cống hiến cho xã hội. Tích lũy kiến thức, kỹ năng để có đủ tài lực, vật lực đóng góp cho xã hội theo nhiều cách khác nhau, để Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta hãy biến sự biết ơn thành những hành động cụ thể, sáng tạo bằng những hành động cụ thể. Thế hệ trẻ hãy phát huy những giá trị tốt nhất của mình, luôn yêu nước và hãy giữ cho mình niềm tự hào vì là người Việt Nam.”

Bùi Thị Thanh Mai, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Ký ức ngày 30-4 vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng cho những người trẻ

Bùi Thị Thanh Mai hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Ngọn lửa Tuổi trẻ, là Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2024 và nhận học bổng Học bổng Đào Minh Quang năm học 2024-2025. Thanh Mai chia sẻ:

“Từ góc nhìn của một người trẻ, tôi nhận ra rằng lòng yêu nước ngày nay là thể hiện ở sự chủ động đóng góp vào phát triển xã hội. Trong ba năm đại học, tôi từng tham gia nhiều chương trình tình nguyện ở Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên và các hoạt động cộng đồng gắn với giáo dục. Những trải nghiệm ấy giúp mình hiểu hơn về sự đa dạng trong đời sống người Việt hiện nay – từ điều kiện sống đến nhận thức về quê hương, tổ quốc. Lòng yêu nước, vì vậy, cũng mang nhiều hình hài hơn: đó có thể là một giáo viên trẻ chọn về vùng sâu dạy học, một tình nguyện viên lặng lẽ giúp người dân làm hồ sơ căn cước, hay một sinh viên nỗ lực học tập để có cơ hội đóng góp ở tầm quốc tế.

Chính từ những nhận thức đó, tôi chọn tham gia vào các hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – nơi mình có thể góp phần vào việc phát triển cộng đồng, thúc đẩy kỹ năng và lan tỏa những giá trị tích cực đến giới trẻ. Với vai trò Phó Chủ nhiệm CLB Ngọn lửa Tuổi trẻ, tôi không chỉ tổ chức các dự án tình nguyện, mà còn kết nối các bạn sinh viên với những cơ hội học hỏi và trưởng thành. Qua đó, mong muốn đóng góp vào việc cùng với một thế hệ trẻ đầy lý tưởng có năng lực để thực hiện hoài bão và khát vọng. Đó cũng chính là cách tôi lựa chọn để thể hiện lòng yêu nước – qua những hành động cụ thể, trách nhiệm và sự bền bỉ trong công việc của mình.

Tôi cho rằng thế hệ trẻ hôm nay cần được khơi gợi và tạo điều kiện để thể hiện lòng yêu nước qua hành động thực tế: học tập có định hướng, tình nguyện có hiểu biết và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Ký ức chiến tranh thuộc về quá khứ, nhưng thông điệp về độc lập, tự chủ và khát vọng phát triển từ ngày 30-4 vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng tôi – những người trẻ – trên hành trình kiến tạo một Việt Nam hội nhập, văn minh và hạnh phúc.”

Cẩm Linh - Diễm Quỳnh - Thảo My (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngay-30-4-trong-suy-nghi-cua-nguoi-tre-cung-lan-toa-tinh-yeu-nuoc-10304761.html