Ngày 30 Tết: Nguồn cung hàng hóa dồi dào không tăng giá đột biến
Ngày 21/1/2023 (tức 30 Tết Quý Mão), tại các chợ truyền thống, siêu thị đã diễn ra phiên mua bán cuối cùng của năm Nhâm Dần trước khi bước sang năm mới Quý Mão. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.
Thực phẩm, rau xanh giá ổn định
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại các chợ truyền thống như Kim Liên, Khương Thượng (Đống Đa), Thành Công (Ba Đình)... sáng ngày 30 Tết cho thấy, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn, giá gần như không có nhiều biến động tăng giá, hiện mặt hàng thịt lợn phổ biến ở mức 100.000 – 130.000 đồng/kg. Trong đó, giá thịt chân giò, nạc vai, ba chỉ ở mức 120.000 đồng/kg; giá thịt mông sấn 100.000 đồng/kg; sườn thăn 130.000 đồng/kg.
Tương tự, mặt hàng thịt bò cũng giữ giá ổn định, thịt thăn bò có giá 300.000-320.000 đồng/kg, bắp bò 350.000 - 400.000 đồng/kg, các loại thịt diềm, dẻ sườn có giá từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, lõi bò 550.000-580.000 đồng, thịt mông 270.000-280.000 đồng/kg.
Gà ta nguyên lông 150.000 - 170.000 đồng/kg, gà lễ đêm 30 Tết 190.00-210.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến như giò, bánh chưng ổn định so với ngày thường. Hiện giò lụa 150.000 - 180.000 đồng/kg, giò xào 220.000-250.000 đồng/kg giò bò 250.000 - 270.000 đồng/kg, bánh trưng 60.000 đồng/chiếc.
Thực tế cho thấy, những ngày này mặc dù mặt hàng rau xanh được tiêu thụ nhiều nhưng giá bán vẫn giữ như ngày thường. Hiện bắp cải 15.000 - 17.000 đồng/kg, su hào 10.000 - 15.000 đồng/củ, cà rốt 15.000-17.000 đồng/kg, cà chua 25.000-27.000 đồng/kg, rau cải cúc, rau cần 6000-10.000 đồng/mớ, xà lách 30.000-32.000 đồng/kg, cần tỏi tây 20.000-25.000 đồng/kg, súp lơ xanh 20.000- 22.000 đồng/cây...Các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Kim Liên cho biết, thời tiết nhưng ngày trước Tết Nguyên đán không khá thuận lợi nên rau sinh trưởng, phát triển mạnh. Bên cạnh đó phần lớn diện tích rau ăn lá ở các địa phương đã đến thời kỳ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm là điều đương nhiên.
Trong khi đó, mặt hàng trái cây bày mâm ngũ quả lại tăng giá mạnh. Bà Nguyễn Minh Thu ở đường Đặng Văn Ngữ ( Đống Đa) chia sẻ, những ngày gần Tết mặt hàng hoa quả tăng 50% so với vài ba hôm trước. Tại hệ thống chợ truyền thống các tiểu thương kinh doanh hoa quả báo giá, thanh long từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, bưởi từ 25.000 – 30.000 đồng/quả; cam canh, cam Sài Gòn 50.000 – 60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 55.000-80.000 đồng/kg; giá roi đỏ ở mức 70.000 đồng/kg. Riêng giá quả phật thủ có giá bán cao ngất ngưởng, loại quả to đẹp ở mức 150.000 - 200.000 đồng/quả, với quả có thêm cành lá thậm chí có giá 250.000 - 500.000 đồng/quả. Tuy nhiên mặt hàng cau tươi, chuối xanh giá bán giảm mạnh, cụ thể cau tươi giảm từ 20.000 đồng/quả xuống còn 10.000-12.000 đồng/quả, chuối xanh bầy mâm ngũ quả giảm từ 150.000 đồng/nải xuống còn 50.000-60.000 đồng/nải.
Ngày cuối năm các loại hoa tươi cũng được bày bán nhiều với mức giá không tăng so với những ngày cận tết. Giá hoa cúc ở mức 100.000-120.000 đồng/bó 10 bông; hoa lay ơn 120.000 - 200.000 đồng/chục, riêng mặt hàng hoa hồng giá bán tăng cao lên đến 20.000 - 25.000 đồng/bông.
Trong khi đó mặt hàng đào, quất do sắp bước sang năm mới Quý Mão 2023, sức mua giảm mạnh nên những tiểu thương kinh doanh mặt hàng này đồng loạt giảm giá 50 - 60% so với những ngày trước đó. Anh Trần Đức Việt kinh doanh đào, quất Tết trên phố Văn Cao (Ba Đình) chia sẻ, những ngày vừa qua có ngày không bán được cây nào, nên phải giảm giá đào, quất để thu hút người mua, mau bán hết hàng để về quê ăn Tết.
Đảm bảo nguồn cung tăng thời gian phục vụ
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong Tết Quý Mão 2023, ngành Công Thương Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022). Trong đó, TP Hà Nội dự trữ 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn lợn hơi, 6.400 tấn thịt gia cầm, 5350 tấn thịt bò, 129 triệu trứng gia cầm, 107.000 tấn rau củ, 5300 tấn thủy sản, 5300 tấn thực phẩm chế biến, 52.000 tấn trái cây các loại… Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hàng hóa trên thị trường trong ngày 29 - 30 Tết Nguyên đán Quý Mão nguồn cung khá phong phú, các siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến.
Thông tin từ hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Aeon Mall, Coopmart, LotteMart, BigC, WinMart, Hapro…đã tăng thời gian phục vụ. Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong cho hay, năm nay người dân mua sắm Tết muộn nên từ 27 Tết đến nay sức mua tăng tới 300%. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) mở cửa đến 14 giờ ngày 30 Tết, từ ngày 23/1 (mùng 2 Tết) mở cửa 10-22h, bắt đầu từ ngày 24/1 (mùng 3 Tết) hoạt động bình thường. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Big C đã lần đầu tiên áp dụng "Khóa giá" - bán thịt lợn tươi không lợi nhuận", qua đó chung tay bình ổn thị trường mặt hàng náy kiềm chế tăng giá.
Trong khi đó Giám đốc vận hành WinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho biết thông rin hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+ cũng sẽ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày mùng 4 Tết. Tương tự hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON Việt Nam ngay từ ngày 1 Tết Nguyên đán đã mở cửa hoạt động từ 11giờ h đến 22 giờ. Từ mùng 2 Tết trở đi, hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON mở cửa theo thời gian bình thường từ 8- 22 giờ. Hệ thống siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu cũng mở cửa hoạt động tất cả các ngày Tết, trong đó ngày 30 Tết đóng cửa lúc 20h và ngày mùng 1 Tết mở cửa lúc 12h. Trong khi đó, hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết, từ mùng 2 tết trở lại hoạt động bình thường từ 9-22 giờ. Đặc biệt, toàn bộ các cửa hàng siêu thị của Circle K cũng phục vụ xuyên Tết cho khách hàng, bao gồm cả đêm giao thừa.