'Ngày chưa sương vội': Một cách thơ 'chín dần trong bình thản'

Tập thơ 'Ngày chưa sương vội' không là cơn mưa rào cảm xúc. Nó là một làn sương. Một vùng sáng. Một tiếng gọi lên đường.

1. Trần Việt Hoàng tự nhận mình là “kẻ trọ giữa giấc mơ tìm mình” (Những giọt sương rơi). Tín niệm này không chỉ là một tuyên ngôn nghệ thuật mang sắc thái lãng mạn hiện sinh, mà còn mở ra toàn bộ hành trình cảm thức thơ của một người trẻ đang khắc khoải truy tìm bản thể mình giữa những mảnh vụn thời gian, cánh đồng thơ, vùng sương mờ để chạm gặp miền sáng.

"Ngày chưa sương vội" (NXB Hội Nhà văn, 2024) không phải một tập thơ cố gắng bứt phá theo hướng hình thức; nó điềm tĩnh và sâu như một nhánh sông hồi tưởng. Chính nhờ cái lực bên trong, cái tâm thái “chín dần trong bình thản” (Thu khác) ấy, thơ Trần Việt Hoàng mở ra một thế giới tinh tế, nơi ánh sáng thẩm thấu từng cánh lá, từng giọt sương, từng nỗi người - một thứ ánh sáng "làm trong hơn cuộc hình dung” (Đỉnh đồi).

Tác giả trẻ Trần Việt Hoàng.

Tác giả trẻ Trần Việt Hoàng.

2. "Ngày chưa sương vội" là một tập thơ hồi cố - không theo nghĩa hoài cổ ủy mị, mà là một nỗ lực của chủ thể đi ngược vào bên trong để soi chiếu lại chính mình, thời mình. Thi sĩ không khước từ ký ức, nhưng cũng không cư trú mãi trong hoài niệm, chìm trong quán tính trì trệ của quá vãng, như lời tự phản: “hãy đi xa từ chính con đường/ đừng điểm trang quá nhiều lên gương mặt ký ức” (Gương mặt ký ức). Đó là một cách hồi cố tỉnh táo, đầy kiểm soát, nơi ký ức được trì bồi như một nguồn nhiên liệu sống, không phải để ăn bóng, mà để làm bệ phóng: "chờ đợi chuyển thành mây/ cuộc rong ruổi loang theo tiếng phi ngựa trắng” (Ánh nhìn).

Trong "Tìm lại những đường cày", hình ảnh cha mẹ hiện lên không bằng nước mắt, không bằng bi kịch, mà bằng sự im lặng nhẫn nại gắn kết với đất đai quê xứ: “cha lầm lụi một đời/ cho mẹ gieo ngô trồng khoai/…/ để ngô biếc khoai xanh/ dáng mẹ cha thành nét khắc của một bức tranh”.

Tập thơ nhiều lần chạm vào miền hồi tưởng, nhưng không sướt mướt. Ký ức hiện diện qua tiếng gà ban mai, con đê mùa cũ, hoa đại rơi, bậc cầu thang mơ hồ… Cũng trong "Gương mặt ký ức", người thơ nhìn về tuổi thơ như một nỗ lực gìn giữ: “tre xanh hơn cuối khu vườn của mẹ/ gió thổi mỏng bức tường cũ/ giấc ngủ mất bóng người canh trông/ mơ mộng còn nơi vì sao rụng xuống”.

3. Không phải ngẫu nhiên tập thơ mở đầu bằng bài "Hồi tưởng" và khép lại bằng bài "Phút hình dung". Đó là một vòng cung: từ nhớ đến mường tượng, từ cũ đến mới, từ bóng sang ánh. Người thơ không cao giọng tuyên ngôn đúc kết khái quát, mà “chỉ nói lời khẽ” (Ngày xa). Hành trình sống với thơ là hành trình khiêm cung cầu thị đối thoại với tha nhân, để "chầm chậm tới mình”. "Sương ở đây không vỡ vào ban mai/ nên long lanh cũng biết cúi đầu” (Khúc rừng).

Trong "Uống rượu với hoàng hôn", thơ gần như thủ thỉ, độc thoại, rưng rưng: “ngày cạn/ nơi những ngón tay gân guốc đen nhẻm/ nơi cánh của một làn chim bay/ nơi chén của một người chưa say/ hơi rượu thơm mùi chơi vơi/ hừng lên từ hoàng hôn vời vợi”.

Sức quyến rũ của thơ nằm ở sự mờ nhòe của câu chữ, ở sức ngân rung của nhịp điệu tâm hồn. Ngay cả trong những bài có tính hướng ngoại, có chủ ý đề tài - đặc biệt ở phần cuối - Trần Việt Hoàng vẫn không đổi giọng điệu. Vẫn một lối viết đề cao khả năng ám gợi, tiết chế, nhiều khoảng lặng, khoảng trắng: “người lính trở về sau bão/ trên vai này thêm những vì sao/ đồi dứa ngoài kia xôn xao/ đỉnh lá nhọn sắc cứa mãi vào gió” (Khoảng lặng).

4. Tập thơ có thể phân tầng thành ba lớp chính:

Địa tầng ký ức cá nhân - tuổi thơ - gia đình, với các bài như: "Gương mặt ký ức", "Trước thu", "Tháng Tư", "Ngày xa", "Tìm lại những đường cày"… Trong đó, hình ảnh người mẹ hiện lên bình dị sáng trong: “mẹ nghĩ về núi đồi/ cúc trắng trước gió/…/ mặt mẹ bình dị như nắng cũ” (Trước thu).

Tác phẩm mới của Trần Việt Hoàng.

Tác phẩm mới của Trần Việt Hoàng.

Địa tầng không gian - lịch sử - bản sắc, với loạt bài như: "Bên nếp nhà sàn", "Một thoáng Phong Điền", "Viết ở Đồng Lộc", "Viết ở Trung đoàn 165", "Khẩu đội", "Điểm tựa", "Đỉnh đồi", "Cơn mưa tháng Năm"… Trần Việt Hoàng vẽ nên một bản đồ văn hóa - lịch sử bằng thơ. Không sa vào lối mòn cổ động hay minh họa, mà là mở ra những bức tranh hồi quang cảm xúc. Chẳng hạn, trong "Viết ở Đồng Lộc": “cỏ thao thức bên miệng hố bom/ những non xanh lặng lẽ/ chiến trường còn những mặt gương/ phản chiếu giấc mơ”.

Địa tầng chiêm nghiệm - hiện sinh, thể hiện rõ trong các bài: "Phức cảm", "Tự họa", "Tự sự", "Chuyến đi", "Khoảng lặng"… Nhiều câu thơ vỡ ra từ tâm tưởng, mang âm sắc triết cảm. Trong "Phức cảm", thi sĩ viết: “nỗi buồn dìu dắt nỗi buồn/ đi về phương nào/ hoặc lặn lại phía sâu trong/ như trai biển ngàn năm ngậm châu ngọc”.

5. Không khó để nhận ra hệ thống thi ảnh vừa xuyên suốt vừa biến hóa trong tập thơ này như ánh sáng, sương, cây, lá, hoa, ngọn đồi, dòng sông, ngọn lửa, mái nhà, đàn chim sẻ… Mỗi lần tái hiện, thi ảnh đều có vị trí mới, sắc thái mới, cảm thức mới. Ví như đàn chim sẻ, từ một biểu tượng tuổi thơ (Tìm lại những đường cày), đến biểu tượng khát vọng hồi sinh, khải hoàn: "trong nắng ấm chiều/ đàn sẻ nâu sà mình trên mái ngói/ cơn gió mồ côi trên cánh đồng cứ thổi/ đàn sẻ nâu đập cánh hát khúc ca khải hoàn” (Khúc ca tháng Bảy).

Ở thơ Trần Việt Hoàng, thi ảnh không phục vụ cho nhạc tính, cũng không làm nền cho cảm xúc. Chúng mang tính chất “chứng tích” - của một ánh nhìn có độ trễ, của một chủ thể sống chậm, sống kỹ, sống lặng, vì "lòng này thẳm sâu” (Ngày xa).

Ngay tên tập thơ "Ngày chưa sương vội" đã mở ra một vùng không - thời gian đặc biệt: sương - một trạng thái “trước khi” của thời gian, một ngưỡng mong manh giữa tỉnh và mơ. Đó là vùng giao thoa giữa ký ức và dự cảm, giữa hoài niệm và khát vọng, giữa mất và còn: "trí nhớ xanh theo vệt khói/ hư huyễn phủ màu” (Đêm); "cỏ ướt mềm cho đêm thanh sạch/ bầy chim ngói vị tha cất cánh trở về/ kể người nghe mùa sương đã trổ” (Nhận ra).

Tập thơ có nhiều bài khơi lên trạng thái ấy: "Ánh nhìn", "Trong những trở về", "Buổi sáng", "Đêm", "Sương Huế", "Loài chim"… Ở đó, cảnh vật không hiển thị bằng đường nét sáng rõ mà bằng ảnh tượng mơ hồ: "người đi trong mênh mang/ kinh thành ưu tư sương cỏ” (Sương Huế); "núi hiền như ô cửa/ đã nâu trầm theo mưa” (Đêm); “sóng trên hồ buồn trong tiếng gợn khẽ” hay “cánh vẫn rơi lên những bước chân xa” (Buổi sáng). Ở đó, cả hoa cũng trở thành phương tiện cảm thụ sương mù ký ức: “nước mắt làm sen xanh hơn/ hương thơm ngan ngát ngày buồn/…/ không nói về giấc mơ khi đứng trước loài sen” (Chuyển sen).

Sen - hình ảnh nhiều lần xuất hiện trong tập - như một biểu tượng của sự yên lặng dâng hiến, sự hồi sinh trong thanh lọc. Trong "Mùa sen bên thành", hình ảnh sen không chỉ mang vẻ đẹp tinh sạch mà còn trở thành tín hiệu tẩy rửa, thức tỉnh: “mùa sen tìm mình trong màn hình trong suốt/ hương ngan ngát gửi đi/ cho lòng người sáng trong bình dị/ vẻ khiêm nhường nơi đây còn mãi”.

Đối nghịch nhưng biện chứng với sương là ánh sáng. Như một chủ đích sáng tạo, ánh sáng xuất hiện liên tục trong thơ Trần Việt Hoàng: "mùa vắng dần những cơn mưa/ bông sen nở lên dưới đặc ân ánh sáng” (Chuyển sen). Đó là thứ ánh sáng của thức ngộ, của vỡ lẽ, của đức tin: "những trú ngụ vẫn còn nhiều lưu lạc/ ngựa xoải mình nhìn theo hướng vầng trăng” (Núi cuối mùa). Trong "Dấu lửa", người lính đi qua bão lửa bằng sự kiên tâm bền chí: “người lính đặc công qua lửa bằng niềm tin/ lòng xanh như trái núi bốn mùa”.

Và con đường, chân trời có lẽ là những thi ảnh tái lặp dày đặc hơn cả trong thi tập. Vì xác tín “bình minh phác sắc lên con đường trăm ngàn dấu chân” (Mùa sen bên thành), nên thi sĩ xác quyết “định danh một lối rẽ” (Lưng chừng ban trưa). Đó cũng là sự chứng nghiệm và học theo cách của lá - "những chiếc lá rơi phác vẽ một chân trời” (Buổi sáng). Khoảng không ngoài kia bao dung, người thơ “tự do thả cánh trước nghi lễ bầu trời” (Loài chim), tự “thắp những ngọn lửa vượt mưa để cháy” (Tự sự), và gặp “nắng vừa khởi nguyên” (Sáng xuân).

6. Tập thơ "Ngày chưa sương vội" không là cơn mưa rào cảm xúc. Nó là một làn sương. Một vùng sáng. Một tiếng gọi lên đường. Người thơ trẻ tuổi, “lòng như sương mai” (Hồi sinh), cất bước như người hành hương: không ồn ào, không dừng lại, cũng không vội vã. Anh “chín dần trong bình thản”. Và thơ - với anh - không phải nơi tải chở hiện thực, mà là một cách lặng lẽ thắp mình, để tìm mình, để đi xa: “ngày mới gạn lọc/ nước mắt trong hơn” (Gạn lọc); "những ký tự mang theo/ từ căn phòng ánh sáng” (Nhận ra).

Hoàng Đăng Khoa

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ngay-chua-suong-voi-mot-cach-tho-chin-dan-trong-binh-than-i773647/