Ngày giỗ trận

Vào cuối năm 1951, khi hệ thống tháp canh, hương đồn do quân pháp lập lên ở Phù Cừ bị phá vỡ từng mảng, để cứu vãn tình thế, địch tập trung lực lượng càn quét vào 3 xã Minh Hoàng, Phan Sào Nam, Trường Chinh (nay là xã Đoàn Đào) từ ngày 20 đến 25/9/1951 nhằm tiêu diệt khu du kích của tỉnh. Khi địch đang càn quét ở xã Minh Hoàng và xã Phan Sào Nam, cấp ủy, chính quyền xã Trường Chinh nhận định giặc sẽ càn vào xã, cần thống nhất lên phương án chống càn và có kế hoạch tản cư cho nhân dân để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời giao cho lực lượng du kích xã triển khai việc bố phòng, chôn mìn ở những vị trí hiểm yếu trong xã.

Liên tục mấy ngày tiếp sau đó, giặc Pháp cho máy bay trinh sát, bay đi bay lại trên địa bàn của xã nhiều lần. Lực lượng du kích của xã luôn nắm chắc tay súng thay phiên nhau canh gác để báo động trong toàn xã được kịp thời khi giặc tràn vào. Nhưng chúng ta chưa phát hiện được gì. Sau đó, hoạt động quân báo của ta phát hiện địch có âm mưu mở trận càn Trái Chanh (Citiron) nhằm tiêu diệt bộ đội và khu du kích liên hoàn rộng lớn của ta ở Phù Cừ, Tiên Lữ và 3 tổng của huyện Thanh Miện (Hải Dương). Cũng do lúc ấy ta chưa có liên lạc bằng điện báo và phương tiện trinh sát hiện đại, nên chậm phát hiện địch tới càn, vì thế khi địch tràn tới, du kích ta không thể “luôn càn”, tức là không kịp rút lui một cách có tổ chức để bảo toàn lực lượng, mà ở lại tổ chức đội hình chiến đấu chống giặc tràn tới.

Ngay trong đêm 24/9/1951, cánh quân địch ở phía Bắc của tỉnh gồm binh đoàn quân cơ giới theo đường 39 rẽ vào Chợ Thi rồi bí mật tiến vào làng Long Cầu, làng Phú Mãn (Phan Sào Nam). Ở phía Tây Nam, một binh đoàn từ thị xã Hưng Yên theo đê sông Luộc tiến xuống La Tiến, tập kết lên Đình Cao, Cát Dương, Hạ Cát rồi bí mật vào Phan Xá, Tống Xá. Phía Bắc Hải Dương có một binh đoàn từ Bình Giang tiến xuống Hoành Bồ. Ban chỉ huy tỉnh đội, do Tỉnh đội trưởng Võ An Đông trực tiếp chỉ huy truyền mệnh lệnh cho các đại đội quyết tâm chiến đấu giữ vững trận địa, đến đêm sẽ phá vây và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương động viên nhân dân và dân quân du kích phối hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu. Vì vậy, một số đơn vị chủ lực của Trung đoàn 42 cùng với bộ đội của tỉnh và của huyện triển khai kế hoạch tác chiến nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch.

Để hợp sức cùng với địa phương chống càn, trên đã kịp thời điều C22 thuộc đơn vị bộ đội của tỉnh về ngay đêm 24/9/1951. Theo kế hoạch chống càn của ta, 2 trung đội của C22 kết hợp với du kích xã Trường Chinh triển khai đội hình chiến đấu tại làng kháng chiến thôn Long Cầu. Còn 2 trung đội của C22 hành quân về phối hợp với du kích thôn Phú Mãn (xã Phan Sào Nam). Cấp trên chỉ đạo cả 4 trung đội của C22 và du kích ở 2 làng (làng Long Cầu và làng Phú Mãn) cần phối hợp với nhau để chống giặc, đồng thời tạo thế liên hoàn trong chiến đấu để chi viện cho mặt trận Phan - Tống Xá cùng ngày. Mặc dù công việc chuẩn bị hết sức khẩn trương, nhưng lực lượng du kích trong xã đã cùng với bộ đội chuẩn bị tư thế sẵn sàng chống lại cuộc càn quét của địch.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 25-9-1951, khi màn sương còn đậm, địch đã huy động một lực lượng lớn tiến công vào địa phương, vây chặt làng Long Cầu và một số thôn khác thuộc phía bắc của huyện Phù Cừ. Ngay sau khi chúng vào đến đầu làng Long Cầu, bộ phận chốt chặn của ta đã kịp thời nổ súng, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên. Đụng phải lực lượng của ta, địch chùn lại gọi máy bay và pháo binh yểm trợ. Từ đó tới sáng pháo và cối các loại từ các vị trí như Chợ Thi, Phố Giác và xa hơn nữa như La Tiến, Neo, Chùa Bản, thị xã Hưng Yên, Lực Điền đều cấp tập bắn vào các thôn trong xã, chúng dồn trọng điểm bắn vào làng Long Cầu, xóm làng mù mịt khói bom đạn. Đến 6 giờ sáng, địch tiến công lần thứ hai, nhưng chúng vẫn bị lực lượng phòng thủ của ta chặn lại, chúng không tiến sâu được vào làng, vừa bị tổn thất tiêu hao sinh lực, vừa cay cú vì thất bại đau đớn trước lũy thép kiên cường của làng chiến đâu, chúng thay đổi chiến thuật tiến công. Chúng giãn đội hình ra và gọi máy bay, pháo binh từ các hướng La Tiến, Chùa Bản, Phố Giác và Lực Điền ném bom, bắn phá ác liệt để yểm trợ cho chúng tiến quân. Trước tình thế chiến đấu ác liệt, không cân sức, quyết không để mất trận địa, phải giữ được làng, các đồng chí trong Ban Chi ủy và lực lượng chỉ huy đã động viên các tổ đề kháng quyết giữ vững vị trí chiến đấu. Các chiến sỹ du kích và bộ đội đã phát huy lối đánh “du kích chiến”, dựa vào công sự và hào lũy của làng chiến đấu để chặn đứng nhiều đợt tiến công của kẻ thù. Ta dùng địa lôi và bắn tỉa, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên. Bị thất bại nặng nề, địch tìm mọi cách tiến công, nhưng đến 10 giờ sáng chúng vẫn chưa chọc thủng được phòng tuyến của ta, số thương vong ngày một tăng.

Bị chặn lại không thể vào được làng, quân Pháp tập trung 8 máy bay đến ném hơn 30 quả bom sát thương, 16 quả bom napan để hủy diệt làng Long Cầu, hòng chọc thủng phòng tuyến của ta. Sau đợt máy bay ném bom ác liệt thì pháo và cối từ các bốt xa, bốt gần dồn dập bắn vào làng, nơi quân và dân ta đang kiên cường chiến đấu với bộ binh địch.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Khói bom, khói súng, nhà cháy, sự hy sinh và mất mát ghê gớm… Trước những thử thách lớn lao, một số bộ đội, du kích và nhân dân bị thương vong, nhiều nhà bị cháy, nhiều đoạn hào và một số công sự bị phá hủy, trong nhân dân xuất hiện tư tưởng hoang mang, nhưng đại bộ phận nhân dân thấy gương hy sinh cao cả và ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của cán bộ, đảng viên, bộ đội và du kích xã, đã quyết tâm giữ vững vị trí chiến đấu. Đó cũng là yếu tố quan trọng để Chi ủy và ban chỉ huy chiến đấu động viên các tổ chức quần chúng và nhân dân tích cực tiếp tế cho các lực lượng chiến đấu ở các ổ chặn địch. Mặc dù bom đạn cày xới tung mặt đất, nhưng các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các cháu thiếu nhi đã băng qua làn đạn để tiếp tế từng giá cơm, cam, bưởi và nước uống để động viên các chiến sỹ. Có biết bao gương hy sinh cao cả của nhân dân, của hội viên quần chúng ở địa phương đã phục vụ chiến đấu ngoan cường, dũng cảm. Trong những gương tiêu biểu đó là cụ Quách Đắc Cương và em Nguyễn Thị Lơ đã anh dũng hy sinh trên đường đi tiếp tế. Cụ Cương hy sinh mà tay vẫn còn ôm lấy giá cơm. Mối tình quân dân quyết tâm chiến đấu đã tạo thành sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.

Mười hai lần tổ chức tiến công, có máy bay và pháo binh yểm trợ đich vẫn không vào được làng. Cuối cùng chúng phải ngừng tổ chức tiến công, co cụm về phía La Tiến. Trên đường rút quân, chúng để lại một bộ phận khá lớn yểm hộ và cho máy bay trực thăng vận chuyển 300 xác chết, hơn 100 tên bị thương. Mãi tới 4 ngày sau, chúng mới kết thúc việc vận chuyển các xác chết tại địa phương.

Về phía ta, trong trận chiến đấu ác liệt đó có 11 bộ đội và du kích đã hy sinh anh dũng. Phần lớn nhà cửa bị cháy, trâu, bò bị giết hại. 52 người chết, trong đó có những tấm gương hy sinh cao cả vì cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.

Khi giặc rút đi trận địa còn nồng nặc thuốc bom đạn, chỉ huy các đơn vị đã cùng với địa phương mai táng liệt sĩ, chôn cất đồng bào bị chết, cấp cứu người bị thương. Dân làng giúp bộ đội nấu cơm, cử dân công khiêng cáng thương binh, vận chuyển vũ khí, đưa cụ già và em nhỏ tạm lánh sang xã bên, vì đề phòng quân địch quay lại trả thù.

Sau trận càn, bị thất bại nặng nề, đội hình và tinh thần rệu rã, địch không dám vào làng ban ngày nữa. Ban đêm, chúng bắn cầm canh vào làng.

Ông Quách Tá Bôn là du kích tham gia chiến đấu chống lại trận càn năm ấy kể lại: “Nếu tương quan lực lượng, địch đông hơn ta nhiều lần. Chúng có vũ khí hiện đại như tàu bay, đại bác. Bên ta lực lượng ít, vũ khí thô sơ, nhưng vì sao ta thắng? đó chính là ý chí và lòng quyết tâm đánh giặc của quân và dân làng Long Cầu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ xóm làng. Là tinh thần đoàn kết quân dân, có vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chỉ huy, là nghệ thuật trong chiến đấu để yếu thắng được mạnh, ít địch được nhiều”.

Trong cuốn sách: Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) của Nhà xuất bản Quân đôi nhân dân năm 2002 đã ghi: Trong trận càn Trái Chanh, khi địch cho quân tiến vào làng Long Cầu, đồng thời quân giặc tiến vào Phan -Tống Xá nhằm tiêu diệt bộ đội và du kích của ta ở Phù Cừ. Quân dân Phan -Tống Xá - Long Cầu chiến đấu dũng cảm kiên cường, tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực địch, hàng trăm lính Âu-Phi bị tiêu diệt, trên 1.000 tên bị thương. Trận Trái Chanh và âm mưu của kẻ thù thất bại. Theo tin từ phía địch, thương vong của chúng trong ngày 25/9/1951 tại Phan Xá, Tống Xá, Long Cầu là 1050 tên. Số vũ khí ta thu được trong trận này cũng rất lớn, không kể số chiến lợi phẩm đã giao cho du kích. Chỉ tính riêng số súng bộ đội mang theo trong “luồn càn” sang Thái Bình, đã đủ trang bị cho một tiểu đoàn mạnh. Gồm 26 trung liên, 35 tiểu liên, 1 DK, 1 BZK và hàng trăm súng trường.

Ngày 25/9/1951 (âm lịch là ngày 25/8), là ngày bi tráng nhất của quân và dân làng Long Cầu. Ngày chiến thắng giặc càn vào làng, cũng là ngày giặc hèn hạ ném bom hủy diệt ngôi làng, nhiều người chết và bị thương. Cũng ngày này, hàng năm, các gia đình của làng Long Cầu đều làm mâm cơm thắp hương “Ngày giỗ trận” để tưởng nhớ những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ xóm làng, đồng thời khắc ghi mối thù không bao giờ quên với quân xâm lược.

Nguyễn Văn ĐôngKhả Duy, Đoàn Đào, Phù Cừ

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202207/ngay-gio-tran-1476a34/