Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Những đổi mới mạnh mẽ để thực hiện giấc mơ lớn

Phát biểu tại Ngày hội Khoa học Công Nghệ Việt Nam 2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: 'Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh và đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho KHCN, ĐMST và CĐS của đất nước'...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Bộ KH&CN)

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Bộ KH&CN)

Lần đầu tiên- ĐMST được đưa vào Luật và ngang hàng với KHCN

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chúng ta khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”. Khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 đã xác định KHCN, ĐMST&CĐS phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Chúng ta đang sửa luật KHCN thành luật KHCN và ĐMST để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng đã có chia sẻ những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng của Luật KHCN và ĐMST. Thứ nhất, khoa học công nghệ là nền của một quốc gia. KHCN mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. KHCN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KHCN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KHCN phát triển.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tham quan và nghe giới thiệu các kết quả KH-CN, ĐMST, CĐS nổi bật (Ảnh: Bộ KH&CN)

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tham quan và nghe giới thiệu các kết quả KH-CN, ĐMST, CĐS nổi bật (Ảnh: Bộ KH&CN)

Thứ hai, khoa học, công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào Luật và được đặt ngang hàng với KHCN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Nhấn mạnh ĐMST cũng chính là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KHCN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu KHCN và ĐMST được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ ĐMST chiếm tới 3%, trong khi KHCN chiếm 1%.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KHCN, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực. Tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiên cứu được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu do thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ tư, chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ công nghệ chiến lược. “Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40-50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược”, Bộ trưởng chia sẻ. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm

Thứ năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hình ảnh, khoa học công nghệ thay vì "ở trên trời", "đi từ trời xuống đất" thì phải có một chiều nữa là "đi từ đất đi lên", từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học. Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.

Thứ sáu, chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Định hướng lớn của nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ (đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh). “ Việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu, nhất là hai Viện Hàn lâm, vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình”, Bộ trưởng lý giải.

Thứ bảy, chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho NCPT của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%. Cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, và không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. Doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho KHCN và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo NCPT các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.

Thứ tám, cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Các nghiên cứu khoa học XH, NV có tác động đến phát triển của quốc gia, nhân loại không kém gì các nghiên cứu khoa học tự nhiên. Các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn hướng tới sự phát triển của xã hội, con người. Sự kết hợp liên ngành KH tự nhiên và KH xã hội để đảm bảo các công nghệ phát triển gắn với bảo vệ các giá trị đạo đức cốt lõi của nhân loại.

Thứ chín, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, trung tâm ĐMST, các quỹ NCPT ( nghiên cứu phát triển), quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong hệ sinh thái này, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, ban hành cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, đồng thời thu hút và đãi ngộ nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước. Kết nối với hệ sinh thái các nước. Việt Nam có nhiều bài toán lớn, có ngân sách thực hiện, chúng ta phải hợp tác, phải thuê, phải tận dụng được các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học toàn cầu. Đây là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát triển KHCN và phát triển đất nước.

Thứ mười, CĐS toàn diện hoạt động KHCN và quản lý KHCN. Các tổ chức NCPT sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10-15 năm. Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu được vinh danh tại buổi lễ Chào mừng ngày KHCN 2025 (Ảnh: Bộ KH&CN)

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu được vinh danh tại buổi lễ Chào mừng ngày KHCN 2025 (Ảnh: Bộ KH&CN)

Sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng công viên tượng đài của các nhà KHCN

Những nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại phải được tôn vinh muôn đời. Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà KHCN có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới. Giống như các quốc gia có nghĩa trang danh nhân, nghĩa trang nhà khoa học nổi tiếng.

Và cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Bao giờ cho tới ngày xưa”, là câu chúng ta hay nói với nhau. Sao bây giờ cứ kém ngày xưa, người bây giờ không giỏi bằng người ngày xưa, không có tinh thần hi sinh như ngày xưa... Nhưng khi nhìn sâu vào thì sự khác nhau giữa ngày xưa và ngày nay là ở chỗ, ngày xưa, giấc mơ, khát vọng của con người lớn hơn rất nhiều so với những gì họ đang có trong tay. Ngày nay, chúng ta giàu có hơn, có nhiều thứ trong tay hơn, có nhiều công cụ hơn thì giấc mơ phải lớn hơn ngày xưa, lớn hơn rất nhiều so với những gì đang có thì chúng ta sẽ lại có được tinh thần ngày xưa ấy, lại giỏi giang như thế và hơn thế, phụng sự nhiều hơn. Và vì thế, Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20-25.000 USD vào năm 2045. “Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó mà KHCN của nước nhà phát triển, đất nước phát triển”.

"Bộ KH&CN bây giờ là "5 ngón tay trên một bàn tay": Khoa học công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo, Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Chuyển đổi số. KHCN là cái máy cái sản xuất ra tri thức; SHTT là biến cái tri thức đó thành tài sản để giao dịch được, tạo thành thị trường tài sản trí tuệ, giúp cho tri thức ra khỏi phòng thí nghiệm và đi xa được; ĐMST là mang cái trí ấy sáng tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội; TĐC là sự đảm bảo hình hài, chất lượng cho sản phẩm hàng loạt; CĐS là môi trường mới, mảnh đất mới, công cụ mới cho sự phát triển. 5 ngón tay này là một chỉnh thể toàn diện cho KHCN phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng.

Ngày 17/5, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức gặp mặt đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tại Quảng Ngãi có hơn 48.000 trí thức khoa học và công nghệ, trong đó có hơn 31.000 người đang làm việc trong các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp; hơn 1.500 người làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; gần 100 tiến sĩ, 60 nghiên cứu sinh, hơn 2.700 thạc sĩ cùng hàng chục nhà giáo, thầy thuốc ưu tú.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên biểu dương những đóng góp quan trọng, âm thầm nhưng bền bỉ của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên đồng thời kêu gọi đội ngũ trí thức tiếp tục đồng hành với tỉnh trong hành trình phát triển, đổi mới và hội nhập. Đặc biệt, thế hệ trí thức trẻ cần tiếp nối truyền thống, nắm bắt cơ hội, ứng dụng hiệu quả thành tựu KH&CN để góp phần đưa Quảng Ngãi phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Vũ Vân Anh

Nguyệt Thương (ghi)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-nhung-doi-moi-manh-me-de-thuc-hien-giac-mo-lon-post548787.html