Ngày mai (14-2), Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín gian chính thức khai mạc
Theo thông tin của ban tổ chức lễ hội, từ ngày 13 đến 15-2 (tức ngày 23 đến 25 tháng Giêng) diễn ra Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín gian xã Thanh Quân (Như Xuân), trong đó ngày 14-2 là chính lễ.
Đền Chín gian là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc miền núi huyện Như Xuân. Đây là thiết chế văn hóa tâm linh tín ngưỡng linh thiêng của đồng bào người Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân nói chung.
Theo truyền thuyết đền Chín gian là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái đối với Pò Phạ (Ngọc Hoàng), Náng Xỉ Đả (con gái Ngọc Hoàng) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường của người Thái trong cả vùng phía tây Thanh Hóa - Nghệ An) có từ xa xưa, được dựng tại vùng người Thái Mường Chiếng Ván (hay còn gọi đất Trịnh Vạn), châu Thường Xuân. Đến năm 1937 được di chuyển về dựng lại trên đỉnh núi Pú Pỏm (Đồi tròn) thuộc Mường Cháng, tổng Quân Nhân, nay thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân. Đền gồm 9 gian, gắn với lễ dâng trâu. Phía dưới ngôi đền là dòng suối Tốn, có bến Tá Tạo (Bến Quan).
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ tế hằng năm diễn ra vào cuối tháng sáu âm lịch, có 9 mường tham gia gồm: Mường Cháng, Mường Pán, Mường Lự (Như Xuân); Mường Chiếng Bán, Mường Phụ, Mường Luộc (Thường Xuân); Mường Mưn, Mường Mủn, Mường Chai (Quỳ Châu - Nghệ An). Từ sau năm 1945 đến 2018, lễ tế không được tổ chức, ngôi đền cũng dần xuống cấp. Năm 2017, đền được phục dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Thái, vật liệu bằng bê tông, gồm chín gian trên nền của ngôi đền cũ. Việc thờ tự các thần linh và chín mường vẫn như trước đây. Ngoài ra, trong đền còn thờ các anh hùng liệt sỹ nhằm tri ân công lao của những người con ưu tú của quê hương Như Xuân đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong không gian di tích, bên cạnh đền Chín gian còn có một số công trình tâm linh khác như miếu thờ thần Thổ địa, tượng Phật A di đà, nhà thờ Phật, nhà thờ Mẫu Thượng ngàn… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của du khách thập phương.
Theo nguyện vọng của đồng bào Thái trong vùng và Nhân dân các dân tộc trong huyện, thời gian tổ chức lễ hội vẫn diễn ra trong 3 ngày, vào các ngày 23, 24 và 25 tháng Giêng âm lịch hằng năm vẫn phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng tâm linh và điều kiện lao động sản xuất của Nhân dân hiện nay.
Theo chương trình lễ hội năm 2023, ngoài lễ khai quang và yết cáo diễn ra trong ngày 13-2, thì tại ngày chính lễ (14-2), sẽ có lễ tắm trâu, lễ rước; lễ hiến trâu và cúng thần; lễ đại tế. Bên cạnh phần lễ là phần hội với những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Và chiều ngày 15-2 là lễ trả ơn.
Tọa lạc trên núi Pú Pỏm, đền Chín gian là địa danh du lịch văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Đặc biệt lễ hội dâng trâu tế trời là nghi thức tín ngưỡng tri ân công lao của những người đã có công xây bản, lập mường, những người có công với nước; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.