Ngày mới ở khu tái định cư bản Lở

Rời nơi ở cũ do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc phải di dời khẩn cấp, các hộ dân ở bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa) được Nhà nước bố trí khu tái định cư (TĐC) mới an toàn, khang trang. Tuy còn nhiều khó khăn, song đời sống bà con đã dần ổn định, không còn nỗi lo đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở trong mùa mưa bão.

Từ ngày chuyển đến khu ở mới, bà con ai cũng phấn khởi.

Từ ngày chuyển đến khu ở mới, bà con ai cũng phấn khởi.

Thực hiện Đề án sắp xếp dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai của tỉnh, năm 2022, 34 hộ dân ở bản Lở được chuyển đến khu TĐC an toàn hơn nơi ở cũ. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, khang trang, người dân đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tiện ích cơ bản. Bên trong khu TĐC, những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố, khang trang mọc gần nhau, dân cư không thưa thớt như ở các bản làng khác mà sống tập trung, dân bản cùng nhau vượt mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Không giấu được niềm phấn khởi, trưởng bản Lương Văn Sự chia sẻ: Toàn bản có 145 hộ với trên 700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mường, Thái, riêng khu TĐC có 34 hộ. Trước kia, cuộc sống bà con luôn canh cánh nỗi lo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trong mùa mưa, cộng thêm kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, trồng lúa, luồng có năm mất mùa, không đủ ăn, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Từ ngày chuyển đến khu TĐC, tư duy, nhận thức của người dân cũng thay đổi, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đa dạng ngành nghề phát triển kinh tế, thu nhập được cải thiện. Nhờ vậy, đến nay hộ nghèo đã giảm xuống còn 8 hộ. Nhiều gia đình có điều kiện mua sắm các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy lọc nước, máy xay xát... phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Hiện nay, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, các hộ dân được sử dụng điện lưới, có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, tình hình an ninh, chính trị luôn được giữ vững.

Một góc Khu TĐC bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa.

Một góc Khu TĐC bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa.

Ông Lương Văn Yên (dân tộc Mường, 74 tuổi) cho biết: Do khu TĐC mới chỉ được bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở, nên gia đình tận dụng đất sản xuất trước đó tại nơi ở cũ để canh tác, kinh tế chủ yếu dựa vào ít lúa, luồng. Trung bình mỗi tháng thu nhập cũng chỉ đạt gần 9 triệu đồng. Nhằm tạo sinh kế cho bà con, thời gian qua chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, thúc đẩy giải quyết việc làm, tìm hướng thoát nghèo cho các hộ dân thông qua những biện pháp cụ thể, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xuất khẩu lao động, tham gia làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong nước. Đáng mừng hơn, mưa bão không phải lo sạt lở hay lũ, bà con yên tâm sản xuất. Tuy vậy, phát triển kinh tế lâu dài đang là bài toán khó của người dân nơi đây, bởi đất để canh tác đang dần ít đi.

Là người nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, đã từng phụ trách ở những điểm trường xa xôi, khó khăn nhất, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ thầy giáo Lê Sỹ Công, điểm trường bản Lở (Trường Tiểu học Nam Động) vẫn bám bản, bám lớp trao con chữ cho học trò. Thầy cho biết: Điểm trường hiện có 5 lớp với 67 em, do khu TĐC xây dựng gần đó nên con em ở đây đến trường rất thuận tiện. Vào mùa mưa bão, sĩ số học sinh luôn duy trì ổn định, không có tình trạng bỏ học, phụ huynh dù bận rộn với việc làm nương, nhưng vẫn có thời gian đưa đón, chăm sóc chu đáo. Thuận lợi nhất là nguồn thực phẩm phục vụ bữa trưa cho trẻ mầm non không khan hiếm như các điểm trường lẻ khác, giúp bữa ăn của các em thêm đủ đầy hơn. Ở khu TĐC này, nhìn chung từ khi các hộ từ nơi cũ ra đây, ai cũng cố gắng xây dựng cho mình một ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, đủ đầy tiện nghi, dù có phải vay mượn thêm đi chăng nữa.

Đồng chí Hà Huy Biến, Bí thư Đảng ủy xã Nam Động cho biết: Sau khi khu TĐC hoàn thành, đi vào hoạt động đã góp phần ổn định đời sống dân cư bản Lở. Về lâu dài, đề nghị cấp trên quan tâm, xây dựng cho bà con bể chứa nước sinh hoạt tập trung cũng như hoàn thiện tuyến đường giao thông trục chính của khu TĐC, cấp kinh phí hỗ trợ phần còn lại cho các hộ dân di dời đến nơi ở mới theo quy định. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Lê Trung

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ngay-moi-nbsp-o-khu-tai-dinh-cu-ban-lo-31329.htm