Ngày này năm xưa 1/7: Phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam

Ngày này năm xưa 1/7, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1/7.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 01/7/1955, Bộ Công Thương ra quyết định thành lập Ban phục hồi Nhà máy sợi Nam Định, sáp nhập Nhà máy tơ thành một phân xưởng của Nhà máy sợi và đổi tên là Nhà máy dệt Nam Định. Ngày 25/12 nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sợi Nam Định

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sợi Nam Định

Ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 1/7/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3721/QĐ-BCT về thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương.

Ngày 1/7/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định số 111/2003/QĐ-BCN về việc chuyển Nhà máy Sứ Đông Hải thuộc Công ty Sứ Hải Dương thành Công ty Cổ phần Sứ Đông Hải.

Ngày 1/7/1996 (28/6-1/7/1996), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII xác định “mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Ngày 1/7/1948, Nha Bình dân học vụ đã phát động một chiến dịch diệt dốt mới. Chiến dịch này được triển khai đều khắp từ căn cứ Việt Bắc đến đồng bằng Liên khu 3, từ Bình Trị Thiên, Liên khu 5 đến các căn cứ Đồng Tháp (Nam bộ). Tính đến đầu năm 1949, hơn 10 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở nước ta đã thoát nạn mù chữ. Lúc này dân số nước ta có khoảng 26 triệu người.

Ngày 1/7/1971, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 119 Hội nghị Pari về Việt Nam, Đoàn thể đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra sáng kiến gồm 7 điểm nhằm giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam. Đó là các vấn đề: Thời hạn rút hết quân Mỹ; Chính quyền ở miền Nam Việt Nam; Các lực lượng vũ trang; Hòa bình thống nhất Việt Nam và quan hệ hai miền; Chính sách đối ngoại hòa bình trung lập ở miền Nam Việt Nam; Những thiệt hại do Mỹ gây ra; Tôn trọng và bảo quản quốc tế các hiệp nghị sẽ ký kết. Sáng kiến hòa bình 7 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam được nhân dân trong nước và thế giới hoan nghênh ủng hộ.

Ngày 1/7/1973, đại biểu Đoàn thanh niên nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam lần thứ hai được tổ chức trong vùng giải phóng miền Nam. Có 200 đại biểu về dự đại hội đã nêu bật sự đóng góp to lớn của hàng triệu bạn trẻ trên tiền tuyến lớn anh hùng, và nêu lên nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn mới.

Đại hội cũng quyết định tên gọi thống nhất của lực lượng thanh thiếu niên là Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh và đội mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế

Ngày 1/7/1967, Cộng đồng châu Âu chính thức được thành lập khi hợp nhất các cộng đồng Than – Thép, Năng lượng nguyên tử và Kinh tế châu Âu.

Ngày 1/7/1994, sau 27 năm sống lưu vong, Yasser Arafat trở về quê hương của người Palestine và đẩy mạnh phong trào thành lập quốc gia độc lập của dân tộc mình.

Ngày 1/7/1997, Vương quốc Anh chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, kết thúc 150 năm thống trị của người Anh tại lãnh thổ này.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 1/7/1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp nhiều Việt kiều đến thăm. Họa sĩ Vũ Cao Đàm xin vẽ và nặn tượng Bác. Cùng ngày, nhiều nhà văn, trí thức tiến bộ Pháp đến chào Bác như Lui Aragông (Louis Aragon), Giăng Risác Blốc (Jean Richard Bloch), Pierơ Emmanuen (Pierre Emmanuel)...

Ngày 1/7/1947, Bác viết thư gửi một số vị nhân sĩ họ Đinh ở Hòa Bình đã vận động đồng bào Mường ở địa phương tham gia kháng chiến. Cùng ngày, Bác viết thư động viên nhà thơ Huyền Kiêu đã viết bản trường ca “Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc”. Bản trường ca có đoạn: “...Tôi mong chú và anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta”.

Ngày 1/7/1954, viết trên báo Nhân Dân trong bài “Những việc vô lý”, Bác bình luận về những bài viết trên báo chí Pháp đề cập tội ác của quân viễn chinh Pháp để đi đến nhận định với nước Pháp và binh sĩ Pháp: “Cuộc chiến tranh này thật là vô nghĩa... nó đã đưa thực dân Pháp đến Điện Biên Phủ và sẽ đưa chúng đến nhiều Điện Biên Phủ khác nữa”.

Ngày 1/7/1958, báo Nhân Dân đăng bài viết “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học” nhưng trong lời kết, Bác lại lưu ý: “…Chúng ta phải học những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em... Cố nhiên, phải áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc”.

Ngày 1/7/1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ và các cơ quan dân, chính, đảng Trung ương, Bác vạch rõ: “Tuy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã xong, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu... Cho nên đảng viên ta cũng phải có thêm tinh thần như thanh niên: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-17-phe-duyet-chien-luoc-cong-nghiep-hoa-cua-viet-nam-260293.html