Ngày này năm xưa 26/2: Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống đường ống xăng dầu
Ngày này năm xưa 26/2, Bộ Công Thương phê duyệt 'Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đường ống xăng dầu Việt Nam; ban hành quy định về an toàn điện.
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 26/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 26/2/1285, danh tướng Trần Bình Trọng bị sát hại khi mới 26 tuổi. Tướng Trần Bình Trọng sinh năm 1259, quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngày 26/2/1285, Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân chống quân Nguyên ở bãi Tức Mặc và bị giặc bắt. Quân Nguyên dụ ông đầu hàng sẽ phong vương, ông khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Ngày 26/2/1947, Chính phủ ban hành Nghị định số 240/CP thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục (sau này là Tổng cục Chính trị), Ban Thương binh ở các khu để chuyên trách theo dõi, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ trong lực lượng vũ trang. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời về mặt tổ chức của hệ thống ngành Chính sách quân đội. Đến ngày 31/12/1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định lấy ngày 26/2/1947 là Ngày Truyền thống Ngành Chính sách quân đội.
Từ ngày 26/2/1973 đến 2/3/1973, tại Pari đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Hội nghị có đại biểu 4 bên tham gia, 5 nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ), 4 nước trong Ủy ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Hunggari, Canada, Indonesia) và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc với tư cách là quan sát viên. Hội nghị đã ký Định ước xác nhận và cam kết tôn trọng các vǎn bản của Hiệp định Pari.
Ngày 26/2/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 225/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày 26/2/2003, ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc triển khai Điều 3 của Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16/1/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại
Ngày 26/2/2003, Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về giá bán điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện.
Ngày 26/2/2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Quy chế Hoạt động của Ban Công tác ASEAN 2010 (Ban hành kèm theo Quyết định số 4466/QĐ-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2009).
Ngày 26/2/2014, Chính phủ ban hành Quyết định số 288/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực Dệt May Việt Nam cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Ngày 26/2/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Nghị định này đã được Sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ban hành ngày 21/4/2020.
Ngày 26/2/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 về hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngày 26/2/2015, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1755/QĐ-BCT phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đường ống xăng dầu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Ngày 26/2/2016, Chính phủ ban hành Quyết định số 307/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.
Ngày 26/2/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.
Ngày 26/2/2016, phiên họp tổng kết Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các thương vụ, tham tán thương mại phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại; chủ động tham mưu đối với ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Đồng thời, các thương vụ, tham tán thương mại phải là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất, nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường và ký kết hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin về đối tác.
Ngày 26/2/2018, Họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý yếu kém, tồn tại của 12 dự án, nhà máy ngành Công Thương. Phiên họp nhằm đánh giá việc triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”. Theo đó, mục tiêu đánh giá là việc hỗ trợ các dự án, nhà máy có khả năng quay trở lại sản xuất theo các cơ chế thị trường, kiên quyết xử lý các dự án không thể cứu vãn.
Ngày 26/2/2019, Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2019/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 26/2/2019, Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 26/2/2020, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngày 26/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 2/10/2017 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Sự kiện quốc tế
Ngày 26/2/1802, là ngày sinh của Victor Marie Hugo - nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch lớn của nước Pháp và thế giới ở thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết: “Những người khốn khổ” và “Nhà thờ Đức Bà Paris”.
Ngày 26/2/1935, Adolf Hitler cho tái lập lực lượng không quân Đức, tức Luftwaffe, vi phạm Hòa ước Versailles được ký kết cuối thế chiến thứ Nhất.
Ngày 26/2/1993, Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom. Cụ thể, vào lúc 12h18’ trưa ngày 26/2/1993, một xe tải chở bom đỗ dưới bãi đậu xe tầng hầm Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York nổ tung làm 6 người chết, hơn 1.000 người bị thương, tạo thành một hố rộng 18m và làm sập nhiều tầng nhà trong vùng lân cận.
Sau vụ tấn công, chính quyền đã cho sơ tán 50.000 người từ hai tòa nhà, trong đó có hàng trăm người bị ngạt khói. Theo thống kê, vụ nổ gây thiệt hại khoảng hơn 500 triệu USD. Chính quyền thành phố và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tiến hành một cuộc truy tìm nghi phạm quy mô lớn, và trong ít ngày sau đó nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan đã bị bắt giữ.
Đến tháng 3/1994, Mohammed Salameh, Ahmad Ajaj, Nidal Ayyad và Mahmud Abouhalima bị một bồi thẩm đoàn liên bang kết án do vai trò của họ trong vụ đánh bom và cả ba đều bị kết án tù chung thân. Chủ mưu của vụ tấn công - Ramzi Yousef Ahmed vẫn nằm ngoài vòng pháp luật cho đến tháng 2 năm 1995, hắn bị bắt giữ ở Pakistan.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 26/2/1947, Bác thảo điện mật gửi phái viên của Chính phủ tại Thanh Hóa yêu cầu nhanh chóng củng cố quyền lực của chính quyền ở 6 châu thượng du, đồng thời nhắc lãnh đạo tỉnh phải đăng lá thư “Gửi đồng bào thượng du”, động viên các vị quan lang và dân chúng để củng cố hậu phương vào thời điểm chiến tranh đang lan rộng.
Ngày 26/2/1949, Bác viết thư cho Trường Y tá Liên khu I căn dặn: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự kháng kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”.
Ngày 26/2/1954, điện văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Chủ tịch Đoàn Xô-viết tối cao Liên Xô Kơlimentơ Ephơrêmôvích Vôrôsilốp và Quân đội Liên Xô, đăng báo Nhân dân, số 168.
Trong điện văn, Người bày tỏ sự tin tưởng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới vào lực lượng lớn mạnh của Quân đội Liên Xô và coi đó là "một đảm bảo vô cùng vững chắc" cho hòa bình và dân chủ thế giới.
Ngày 26/2/1956, trên báo Nhân dân số 724, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”, với bút danh C.B. Người nói, “Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán”.
Trong thời điểm đất nước ta đang bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đứng trước tình hình hạn hán đang gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất của nhân dân, Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ ở địa phương thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống hạn hán. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, chính quyền địa phương các cấp phải đề cao trách nhiệm, không thể coi thường hạn hán, bởi đó là một kẻ “địch” to.
Ngày 26/2/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường đi thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia.
Phát biểu trước cán bộ, đồng bào ra tiễn tại sân bay Gia Lâm, Người bày tỏ niềm phấn khởi được sang thăm Inđônêxia theo lời mời của Tổng thống A. Xucácnô và nói: “Chúng tôi sẽ thay mặt đồng bào ta mang tình hữu nghị thắm thiết đến với nhân dân Inđônêxia anh em. Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta”.