Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3-12: Người phụ nữ 'đặc biệt' - điểm tựa tinh thần cho gia đình
Ngày mới của chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1971, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM) thường bắt đầu bằng những công việc nhà, chuẩn bị bữa sáng cho các thành viên. Mặc dù không may mang trên mình đôi chân khiếm khuyết, nhưng người phụ nữ này đã rũ bỏ mặc cảm và trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho gia đình.
Đi tìm hạnh phúc...
Rời bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc, chúng tôi đi hơn 10km là đến ấp Dương Văn Hạnh, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Từ đầu ngõ, chúng tôi đã thấy bóng dáng của chị Thanh ngồi trên chiếc xe lăn trước cửa nhà, đôi tay thoăn thoắt nhặt từng cọng rau. Hơn một năm trước, chị Thanh bị tai biến khiến việc nói năng trở nên khó khăn, giọng nói không tròn chữ.
Chị Thanh là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Năm lên 7 tuổi, sau trận sốt nặng không được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời, hai chân của chị Thanh bị tê liệt, teo lại. Từ cô bé thích vui đùa chạy nhảy, chị phải tập dùng nạng để di chuyển, rồi chuyển sang sử dụng xe lăn. “Suốt 2 năm trời tôi ở nhà ngồi khóc miết, tự ti vì cơ thể không giống bao người bình thường”, chị Thanh kể.
Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, chị Thanh đã vực dậy tinh thần, tìm lại nụ cười. Không được đến trường, bé gái 9 tuổi ngày ấy bập bẹ đánh vần theo bảng chữ cái mà các tình nguyện viên về địa phương hướng dẫn. “Tôi như được hồi sinh. Trước đó, tôi không cử động được nhiều. Sau hai năm ròng rã mới cảm thấy cơ thể có sức lực nhờ vận động nhẹ. Bọn trẻ trong xóm đến chơi, hỏi han, tôi dần mở lòng”, chị Thanh xúc động nhớ lại.
Ngước nhìn tấm ảnh cưới treo ngay ngắn trên tường nhà, đôi mắt chị Thanh ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về kỷ niệm đẹp với chồng là anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1971, ngụ xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ). Anh Dũng là con liệt sĩ, mẹ anh đi bước nữa, anh sống với ông bà cho đến khi họ mất thì sống một mình. Chị Thanh kể: “Anh tôi về làm việc ở đây rồi gặp anh Dũng, sau đó dẫn lên nhà chơi. Kiếm được công việc tốt, anh Dũng ở lại Long An làm thuê. Nhà tôi nghèo, nhưng cha mẹ thương anh thiếu thốn tình thương từ bé, lại chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi”.
Qua tiếp xúc, anh Dũng và chị Thanh dần nảy sinh tình cảm với nhau. Chị Thanh bộc bạch: “Đôi lần hẹn hò đi chơi, vẫn có một số ánh mắt ái ngại nhìn chúng tôi. Cả hai tự động viên lẫn nhau, không mặc cảm trước tình yêu. Tình cảm của anh khiến tôi cảm thấy tin tưởng và đó cũng là lý do để thuyết phục gia đình”.
Là điểm tựa vững chắc cho con
Mang thai là một hành trình vất vả của người phụ nữ, với hoàn cảnh như chị Thanh thì càng gian nan hơn. Tháng thứ 8 thai kỳ, bụng chị đã to vượt mặt, từ di chuyển đến mọi sinh hoạt cá nhân thêm phần khó khăn. Có những ngày chồng đi làm, chị phải nhờ đến sự hỗ trợ của mẹ. Từ ngày vợ có bầu, anh Dũng cố gắng làm nhiều việc nhất có thể để kiếm tiền. Số tiền công ít ỏi làm được trong ngày, anh đều tính toán chi tiêu hợp lý, phần mua đồ tẩm bổ cho hai mẹ con, phần để dành cho kỳ sinh.
Con gái lớn của chị tên Phạm Nguyễn Thanh Vy, hiện là sinh viên năm 4 Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Con thứ hai Phạm Nguyễn Nhật Hào, đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Hai chị em là học sinh giỏi 12 năm liền, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Những đứa con cứ thế lớn lên trong tình yêu thương gia đình. “Từ nhỏ, tụi em luôn tự hào và noi gương ông nội. Bản thân em sẽ phấn đấu trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Nhật Hào bày tỏ.
Nhiều người từng nói với chị Thanh cho hai con nghỉ học đi bán vé số, nhưng chị kiên quyết lắc đầu. Gia đình anh Dũng thuộc diện gia đình chính sách. Các thành viên chung sống trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng vào năm 2015. Vợ chồng anh nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm của làng xóm và chính quyền địa phương; gia đình được đưa vào diện hộ nghèo để nhận thêm chính sách ưu tiên. Hàng ngày, chị Thanh đảm nhận công việc nội trợ và tranh thủ thời gian làm thêm các việc như luồn dây vào túi rút, nhận hạt xâu vòng... để kiếm tiền; còn chồng chị đi làm thuê. “Tuy vất vả nhưng tôi lại cảm thấy rất hạnh phúc vì sau lưng có vợ và hai con làm động lực”, anh Dũng tâm sự.
Ông Ngô Hoàng Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn, cho biết, ở xã hiện có 68 người khuyết tật. UBND xã phối hợp Trạm y tế xã thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật như châm cứu, sử dụng máy hỗ trợ vận động tay chân, cấp phát thuốc (theo diện bảo hiểm y tế) hàng tháng và thăm hỏi sức khỏe.
Đối với hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, UBND xã còn phối hợp hỗ trợ chăm lo 1.000.000 đồng/tháng. Theo ông Quý, dù khó khăn nhưng chị Thanh vẫn luôn động viên con học. Hai con chị học rất giỏi và ngoan. UBND xã và các đoàn thể cũng quan tâm, chăm lo hỗ trợ học bổng, vật chất... cho hai cháu từ nhỏ.